DetailController

Tin từ các đơn vị

Nâng cao chất lượng giống cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh

04/11/2020 00:00
Hòa Bình là vùng trồng cây ăn quả có múi trọng điểm của các tỉnh phía Bắc với diện tích khoảng 11.500 ha (cam 5.500 ha, quýt hơn 500 ha, bưởi 5.200 ha, chanh 375 ha). Trong đó diện tích cây ăn quả có múi ở thời kỳ kinh doanh khoảng 7.400 ha với sản lượng ước đạt 150 ngàn tấn, giá trị thu nhập 300 – 500 triệu/ha/năm. Nhận thức rõ giá trị kinh tế của cây ăn quả có múi, tỉnh ngày càng tập trung chọn lọc và nâng cao chất lượng giống cây nhằm nâng cao số lượng và chất lượng quả.
Nhờ chọn lọc giống tốt, sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong ngày càng chất lượng hơn, có thương hiệu và được người tiêu dùng ưa chuộng

Nhìn lại trong 10 năm qua, diện tích cây ăn quả có múi của tỉnh Hòa Bình không ngừng tăng lên. Đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung tại các huyện Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy. Tổng diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh năm 2010 là 1.005 ha, đến nay sau 10 năm phát triển diện tích tăng lên 11.500 ha. Cùng với đó, bộ giống cây ăn quả có múi có sự thay đổi rõ rệt: Năm 2010 nhóm giống tập trung chủ yếu vào một số giống truyền thống như cam Xã Đoài, cam sông Con, quýt Ôn Châu, quýt Hà Giang, bưởi Diễn. Đến nay toàn tỉnh đã có gần 20 giống các loại đưa vào sản xuất đại trà đáp ứng nhu cầu rải vụ thu hoạch từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Hàng loạt giống cây trồng mới được công nhận chính thức, đưa vào sản xuất đại trà đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả có múi như: Cam V2, cam Marrs, cam C36, cam CS1, bưởi đỏ Hòa Bình. Ngoài ra một số giống cây có múi có chất lượng tốt đã phong phú, đa dạng hóa bộ giống cây có múi của tỉnh Hòa Bình. Cơ cấu các nhóm giống được tuân thủ theo quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó: Nhóm chín sớm có quýt Ôn Châu, Cam Marrs, cam CS1, cam C36, cam Navel chiếm 30% diện tích; nhóm chính vụ có cam Xã Đoài, quýt Hà Giang, cam sông Con, bưởi đỏ, bưởi da xanh chiếm 40% diện tích; nhóm chín muộn có cam canh, cam V2, bưởi diễn chiếm 30% diện tích. Đây là một trong những yếu tố góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây có múi của tỉnh; giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác không ngừng tăng: Năm 2010 giá trị thu nhập bình quân đạt 100 – 120 triệu đồng/ha, năm 2019 đạt 300 – 350 triệu đồng/ha, dự kiến năm 2020 đạt trên 350 triệu đồng/ha/năm.

Sự phân bố trong việc quy hoạch, trồng cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh đã có sự rõ nét, tận dụng lợi thế vùng miền, cụ thể: Trước 2014, diện tích trồng cây ăn quả có múi tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Cao Phong với các giống cam truyền thống như cam Xã Đoài, quýt Ôn Châu, quýt Hà Giang, diện tích bưởi trồng rải rác tại các huyện trong tỉnh nhưng chưa hình thành các vùng sản xuất tập trung. Giai đoạn 2014 đến nay đã có sự phân bố rõ nét về vùng trồng cam quýt và bưởi: Diện tích cam, quýt tập trung chủ yếu tại huyện Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi, Lạc Sơn với các giống có năng suất chất lượng tốt như cam CS1, cam Marrs, cam sông Con, CT36, cam Canh….diện tích bưởi tập trung chủ yếu tại các huyện Tân Lạc, Yên Thủy, Lương Sơn với những giống có năng suất, chất lượng tốt như vùng bưởi đỏ Tân Lạc, vùng bưởi diễn tại Yên Thủy, Lương Sơn…

Hiện trên địa bàn tỉnh có 04 cơ sở đăng ký sản xuất và kinh doanh giống cây ăn quả có múi gồm: Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản; Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh giống cây trồng Phương Huyền; Hợp tác xã Mường Động; Công ty TNHH một thành viên Cao Phong Hòa Bình. Ngoài ra nguồn giống được sản xuất tại các vườn được người dân tự chiết, ghép chiếm tỷ lệ lớn. Nguồn cung ứng giống của các cơ sở trong tỉnh mới chỉ đáp ứng từ 20 – 30%. Còn lại, lượng lớn được nhập từ các Viện, Trung tâm cây có múi và các cơ sở sản xuất giống các tỉnh như Hưng Yên, Hà Nội…

Về cơ bản tới nay giống cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh được quản lý tốt, tuy nhiên để phát triển sản xuất giống cây ăn quả có múi tốt cung cấp cho tỉnh, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau: Quy hoạch vùng sản xuất giống cây ăn quả có múi sạch bệnh, sản xuất tại những vùng hiện nay đang trồng và đã có quy hoạch phát triển cây ăn quả có múi, có điều kiện về đất đai, khí hậu phù hợp cho việc sản xuất giống cây ăn quả có múi sạch bệnh. Tổ chức lại cơ sở sản xuất giống, nâng cao năng lực chuyên môn về sản xuất giống cây ăn quả có múi sạch bệnh cho những người tham gia vào chuỗi sản xuất giống. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất giống bằng phương pháp ghép đỉnh sinh trưởng tạo cây sạch bệnh để sản xuất giống sạch bệnh trong nhà lưới, hạn chế bệnh trên cây có múi. Tăng cường sản xuất những giống bưởi, cam chín sớm và chín muộn, có chất lượng cao vào cơ cấu rải vụ giống cây có múi ở tỉnh Hòa Bình. Việc lựa chọn ra các cây có múi đầu dòng, vườn cây có múi ưu tú có năng suất cao, chất lượng tốt để phục vụ cho công tác nhân giống cây có múi sạch bệnh cần được quan tâm hàng năm và cần được lựa chọn đa dạng về chủng loại. Tăng cường quản lý hệ thống cung cấp cây giống cây ăn quả có múi sạch bệnh trên địa bàn tỉnh bằng nhiều giải pháp./.