Những năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo, đào tạo dạy nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động của tỉnh Hòa Bình đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Từ những kết quả đó đã góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn có việc làm ổn định.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 13-12-2006 của Tỉnh ủy, công tác xóa đói giảm nghèo, đào tạo dạy nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; hàng năm thông qua các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư đã giải quyết việc làm cho 1,6 vạn lao động, trong đó xuất khẩu lao động bình quân đạt trên 1.200 người/năm; chính sách về lao động được thực hiện đầy đủ; việc làm, thu nhập và điều kiện lao động của người lao động ổn định và có bước cải thiện. Đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã khó khăn được quan tâm, đời sống vật chất, tinh thần của hộ nghèo được nâng lên, khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, các dân tộc, các nhóm dân cư trong tỉnh được thu hẹp; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân đạt 3,5%/năm (nhanh hơn mức giảm bình quân chung của cả nước là 1,2%). Ngoài ra tỉnh cũng đã hoàn thành quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề trên địa bàn, bảo đảm mỗi huyện đều có ít nhất một cơ sở dạy nghề công lập, tuyển sinh học nghề đạt bình quân trên 11 nghìn người mỗi năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 35%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 29%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Tuy nhiên, công tác xóa đói giảm nghèo, đào tạo dạy nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Trong đó nhận thức của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương đối với công tác xóa đói giảm nghèo, đào tạo dạy nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động chưa đầy đủ, chưa được quan tâm đúng mức nên việc quán triệt nghị quyết, tuyên truyền chủ trương, chính sách còn hạn chế. Công tác chỉ đạo chưa thường xuyên, quyết liệt, chưa bám sát thực tiến, sự phối hợp thực hiện chưa thật sự hiệu quả. Công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao, số xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% còn ở mức cao (115/210 xã). Số đông hộ nghèo có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở, vốn, kiến thức làm ăn, đất sản xuất, nước sinh hoạt nhưng chưa được trợ giúp kịp thời; các hộ cận nghèo cũng chưa nhận được sự hỗ trợ đáng kể; việc giải quyết chế độ ưu đãi về giáo dục còn chậm. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, đa số chưa qua đào tạo nghề cơ bản nên mục tiêu giải quyết việc làm nói chung cũng như trong lĩnh vực xuất khẩu lao động nói riêng gặp nhiều khó khăn. Ý thức chấp hành kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp của người lao động chưa cao. Công tác đào tạo dạy nghề cho người lao động còn nhiều bất cập; cơ cấu ngành nghề đào tạo, cấp độ đào tạo chưa đạt mục tiêu; mới chủ yếu tập trung đào tạo các nghề ngắn hạn; cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo dạy nghề còn thiếu, chưa đồng bộ; chất lượng đào tạo chưa cao, chưa hình thành mô hình đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động. Đại đa số các cơ sở dạy nghề mới được thành lập, chưa hoàn thiện về cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề, chưa thu hút giảng viên dạy nghề có trình độ cao về công tác tại tỉnh. Hơn nữa thị trường lao động trong tỉnh chưa phát triển, chất lượng nguồn nhân lực thấp, lao động qua đào tạo nghề năm 2011 mới đạt 28%, còn thiếu kiến thức về nghề nghiệp và ngoại ngữ, chưa có thói quen và tác phong lao động công nghiệp, thiếu lao động có tay nghề cao, do đó sức cạnh tranh trên thị trường lao động trong và ngoài tỉnh cũng như xuất khẩu lao động thấp, khó kiếm được việc làm có thu nhập cao và ổn định. Ngoài ra, xuất khẩu lao động mới chỉ đạt 75% kế hoạch; chất lượng lao động xuất khẩu chưa cao; thị trường lao động ngoài nước chưa được phát triển mở rộng, vẫn tập trung chủ yếu ở các thị trường truyền thống mức lương chưa thực sự hấp dẫn đối với người lao động.
Để nâng cao chất lượng công tác xóa đói giảm nghèo, đào tạo dạy nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động giai đoạn 2012-2015 UBND tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, ổn định đời sống các xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng CT229 và các xã nghèo; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giảm nghèo bền vững; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về giáo dục, y tế, an sinh, xã hội cho các hộ nghèo. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, gắn kết chặt chẽ giữa công tác đào tạo nghề với nhu cầu thị trường lao động. Đẩy mạnh giải quyết việc làm theo hướng tạo việc làm trong tỉnh là chính; tiếp tục quan tâm thực hiện xuất khẩu lao động. Theo đó, phấn đấu mỗi năm giảm bình quân 3% số hộ nghèo (tương đương với 6.000 hộ thoát nghèo); không còn hộ gia đình chính sách thuộc diện nghèo. Đồng thời tuyển sinh học nghề bình quân mỗi năm đạt 15.000 chỉ tiêu. Đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo nói chung đạt 45%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 35-37%. Thực hiện tốt chính sách với người lao động trong khu vực sản xuất, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, cải thiện điều kiện lao động, ổn định việc làm tăng thu nhập cho người lao động. Hàng năm giải quyết việc làm cho 15.000-16.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao đôngj từ 800-1.000 người/năm; khống chế tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 5%; tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn đạt trên 86%, bình quân mỗi năm chuyển dịch 2% lao động từ ngành nông, lâm, ngư nghiệp sang các ngành kinh tế khác; đến năm 2015 cơ cấu lao động trong ngành công nghiệp, xây dựng đạt 20%; nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 58%; thương mại, dịch vụ 22%.