Hầu hết các chủ sở hữu NHTT đều cơ bản nhận thức được vai trò, ý nghĩa của công tác quản lý NHTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Việc quản lý tốt NHTT là cơ sở quan trọng góp phần nâng cao uy tín và danh tiếng của sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đồng thời cung cấp đến người tiêu dùng những sản phẩm đồng bộ về chất lượng, mang lại lợi ích kinh tế cho các thành viên của các tổ chức tập thể sở hữu NHTT. Các chủ sở hữu NHTT đã quan tâm phổ biến, nâng cao năng lực quản lý và sử dụng NHTT. Chủ sở hữu NHTT thực hiện lồng ghép nội dung phổ biến, thảo luận rút kinh nghiệm về công tác quản lý NHTT trong các hội nghị tập huấn có nội dung liên quan. Mỗi tổ chức tập thể sau khi được sở hữu NHTT đã tổ chức trung bình từ 2 đến 3 lớp tập huấn về quản lý và sử dụng NHTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm, tiêu biểu: Hội nông dân huyện Lạc Sơn đã tổ chức 10 hội nghị tập huấn cho 325 người từ 2014 đến nay về nội dung quản lý và khai thác NHTT; Hội Nông dân huyện Mai Châu đã tổ chức 5 Hội nghị tập huấn phổ biến quy chế sử dụng NHTT và Quy chế cấp, thu hồi quyền sử dụng NHTT cho 188 thành viên của Hội thuộc các xóm sử dụng NHTT Thổ cẩm Mai Châu gắn lên các sản phẩm thổ cẩm do mình sản xuất ra….
Các tổ chức tập thể đều triển khai một số biện pháp phổ biến nhằm tăng cường công tác quản lý NHTT do mình sở hữu như quản lý và bảo đảm chất lượng sản phẩm mang NHTT thông qua việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng hệ thống tem, nhãn, bao bì sản phẩm; Quản lý giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của từng thành viên (diện tích, sản lượng, địa điểm, năng lực sản xuất); Xây dựng, quản lý, giám sát việc thực hiện các quy trình kỹ thuật nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm mang NHTT. Hoạt động nghiên cứu và tổ chức áp dụng các thành tựu khoa học – kỹ thuật nhằm đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm mang NHTT và tổ chức các biện pháp kiểm tra hàng hoá, dịch vụ lưu thông trên thị trường để đảm bảo sản phẩm cung ứng đến người tiêu dùng đạt chất lượng cao nhất chỉ được một số tổ chức tập thể chú trọng, quan tâm.
100% các tổ chức tập thể đều nhận được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền các địa phương và các sở, ngành liên quan trong khai thác và phát triển NHTT. Trên cơ sở đó, các chủ sở hữu đã triển khai khai thác và phát triển các NHTT thông qua một số hoạt động nổi bật như: Áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm mang NHTT góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đưa sản phẩm tham gia các hội chợ thương mại; đưa sản phẩm vào các cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ tìm kiếm và mở rộng thị trường, tận dụng cơ hội khai thác và quảng bá sản phẩm.
Đối với các sản phẩm nông sản đặc sản như cam, bưởi, rau quả hữu cơ, nhãn,…các tổ chức tập thể đã nỗ lực duy trì đảm bảo diện tích sản xuất sản phẩm gắn với đầu tư áp dụng kỹ thuật và tiến bộ KH&CN để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm được bảo NHTT, góp phần khẳng định danh tiếng của sản phẩm trên thị trường, nổi bật như các sản phẩm: Rau củ quả hữu cơ Lương Sơn, Nhãn Sơn Thủy, Bưởi đỏ Tân Lạc,… Một số thành viên của các tổ chức tập thể đã đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hòa Bình từ năm 2019 tới nay nhằm góp phần khai thác và phát triển các NHTT trong chiến lực xây dựng thương hiệu của bản thân doanh nghiệp, hợp tác xã đối với các sản phẩm mang NHTT như: Thổ cẩm Mai Châu, Nhãn Sơn Thủy, rau hữu cơ Lương Sơn, cam Lạc Thủy, bưởi đỏ Tân Lạc, ….
Nhận thức rõ việc xác lập NHTT là bước khởi đầu, sau đó cần phải tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, đẩy mạnh phát triển nhãn hiệu, để nhãn hiệu “sống” tốt, “sống” khỏe trên thị trường. Do đó thời gian tới tiếp tục cần sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương để hỗ trợ về pháp lý, đăng ký NHTT cho những sản phẩm nổi bật của địa phương; đồng thời cũng cần sự quan tâm, đầu tư của các chủ sở hữu NHTT. Tập trung nguồn lực để đưa sản phẩm tới những thị trường tiềm năng, đồng thời với việc nâng cao giá trị sản phẩm, giữ vững thương hiệu. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, các doanh nghiệp, HTX thực hiện đồng bộ các giải pháp về tổ chức quản lý, quy hoạch vùng sản xuất; mã số vùng trồng, logictics, xúc tiến thương mại... đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng các giải pháp về khoa học và công nghệ cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển sản phẩm có giá trị gia cao từ sản phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý./.