DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Năm 2023: Hầu hết các chỉ tiêu phát triển ngành nông nghiệp đạt và vượt so với cùng kỳ

02/01/2024 15:44
Năm 2023, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các địa phương đã chủ động thực hiện các chương trình, đề án và kế hoạch hành động cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình mục tiêu phát triển ngành; tham mưu thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất, hầu hết các chỉ tiêu phát triển ngành năm 2023 đều đạt và vượt so với cùng kỳ và kế hoạch đề ra; giá trị sản xuất toàn ngành tăng khá; hoạt động xuất khẩu nông sản tiếp tục có nhiều đột phá, tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, được mở cửa nhiều thị trường mới, tiềm năng rộng mở như Anh, Mỹ, nhiều nước EU, Canada. Công tác quản lý nhà nước của ngành được tăng cường và phát huy hiệu quả. Các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ có tính đột phá hoàn thành trước hạn, hoàn thành vượt mức kế hoạch.
Năm 2023, giá trị sản xuất thủy sản tăng 6,29% so cùng kỳ

Kết quả thực hiện các mục tiêu tổng quát như sau: Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông, lâm, thủy sản năm 2023 ước đạt 4,35%; giá trị sản xuất theo giá so sánh ước đạt khoảng 12,99 nghìn tỷ đồng tăng 4,29% so với cùng kỳ.  Bình quân tiêu chí nông thôn mới ước đạt 16,2 tiêu chí/xã, đạt kế hoạch đề ra. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 07 xã, vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 95,8%, vượt kế hoạch đề ra. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,69%, vượt kế hoạch đề ra.

Trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật: Giá trị sản xuất trồng trọt theo giá so sánh ước cả năm đạt 7,27 nghìn tỷ đồng, tăng 2.63% so với cùng kỳ. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 117 nghìn ha đạt 100% so với kế hoạch và 100,9% so với cùng kỳ, trong đó cây lương thực có hạt 68,72 nghìn ha, sản lượng ước đạt 36,3 vạn tấn. Giá trị thu nhập trên 1 diện tích đất canh tác trồng trọt ước đạt 180-185 triệu đồng/ha, tăng từ 25-30 triệu đồng so với năm 2022, riêng nhóm cây trồng chủ lực đạt trên 250 triệu đồng/ha;

Trong lĩnh vực chăn nuôi, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi theo giá so sánh cả năm ước đạt 4,13 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Theo số liệu thống kê, tổng đàn gia súc, gia cầm khoảng trên 9,5 triệu con, trong đó đàn trâu đạt 114.200 con, so với cùng kỳ năm trước bằng 98,75%; đàn bò hiện nay là 89.140 con, so với cùng kỳ bằng 102,26%; đàn lợn hiện nay là 495.698 con, so với cùng kỳ bằng 102,09%, dự kiến tới cuối năm đàn lợn ổn định; tổng đàn gia cầm hiện nay là 8.610 nghìn con, so với cùng kỳ bằng 103,09%, dự kiến đàn gia cầm đủ đáp ứng nhu cầu dịp cuối năm và lễ tết các tháng đầu năm 2024. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng: thịt trâu xuất chuồng ước thực hiện đạt trên 4.000 tấn; lượng thịt bò xuất chuồng ước thực hiện đạt 3.200 tấn; lợn hơi xuất chuồng ước thực hiện đạt khoảng 70.000 tấn; thịt gia cầm xuất chuồng ước đạt 27.500 tấn. Năm 2023, các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi của tỉnh ổn định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định. Các ổ dịch được kiểm soát, khống chế và dập tắt kịp thời không để lây lan rộng.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, kiểm lâm: Giá trị sản xuất theo giá so sánh ước cả năm 1,26 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ.  Hưởng ứng Tết trồng cây, tổ chức thực hiện kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán năm 2023, toàn tỉnh đã trồng rừng tập trung được 8.166,06 ha/5.530 ha (đạt 147,67%); trồng cây phân tán 942.220 cây /906.200 cây phân tán (đạt 104%). Đã sản xuất trên 22 triệu cây giống các loại phục vụ kế hoạch trồng rừng (đạt 138,35% KH). Công tác chăm sóc, khoanh nuôi và bảo vệ rừng tiếp tục được quan tâm, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định trên 51,5% (hiện nay đạt 51,69%). Toàn tỉnh đã khai thác 8.484,18 ha rừng trồng tập trung,... Tổng thu nhập từ rừng của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt là 931.679,35 triệu đồng. Duy trì công tác thường trực phòng chống cháy rừng. Năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 29 dự án được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, với diện tích: 309,56 ha ngoài quy hoạch ba loại rừng, hiện trạng gồm 242,12 ha rừng trồng, 67,44 ha diện tích không có rừng. Duy trì 16.000 ha diện tích được cấp chứng chỉ rừng hiện có, tiếp tục thúc đẩy tăng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh.

Trong lĩnh vực thủy sản: Giá trị sản xuất thủy sản theo giá so sánh cả năm ước đạt 0,32 nghìn tỷ đồng, tăng 6,29% so cùng kỳ. Các địa phương đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng trên các thủy vực lớn, nuôi thủy đặc sản trên diện tích ao hồ theo định hướng tái cơ cấu ngành thủy sản. Hiện có 2.695 ha mặt nước ao hồ nuôi trồng thủy sản và 4.987 lồng cá nuôi. Sản lượng thủy sản cả năm ước đạt 12,2 nghìn tấn, trong đó khai thác ước đạt 2,45 nghìn tấn, nuôi trồng ước đạt 9,750 nghìn tấn. Các cơ sở, hộ dân cho sinh sản nhân tạo và ương nuôi cá bột, cá hương, cá giống phục vụ cho sản xuất vụ xuân hè và hè thu, sản lượng cá giống năm 2023 ước đạt trên 130 triệu con giống các loại. Giá trị thu nhập bình quân đạt 220 triệu đồng/ha/năm, riêng nhóm sản phẩm đặc sản (cá lăng, cá bỗng, cá trắm đen...) đạt trên 250 triệu đồng/ha/năm.Tình hình dịch bệnh thủy sản được kiểm soát tốt.

Trong công tác thuỷ lợi, phòng chống thiên tai và nước sạch-vệ sinh môi trường nông thôn: Hệ thống thủy lợi đã phủ rộng khắp các xã trong tỉnh, cấp nước tưới chủ động đảm bảo phục vụ sản xuất cho mùa vụ. Thực hiện ban hành các văn bản  đảm bảo nguồn nước, nâng cao năng lực tưới tiêu, phòng chống hạn hán, ngập úng của các vụ sản xuất trong năm; giúp các địa phương tích trữ nước, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, chủ động chuyển diện tích cấy lúa không đảm bảo nguồn nước sang trồng cây màu khác, tình hình nguồn nước và phương án ứng phó khi hạn hán xảy ra, nguồn nước đảm bảo phục vụ cho khoảng 55.679 ha cây trồng trong các vụ trong năm theo kế hoạch; các địa phương đã kịp thời và tích cực triển khai các biện pháp bơm tưới chống hạn để giảm thiểu các diện tích bị thiệt hại do hạn hán gây ra. Hiện tại, tỉnh Hòa Bình đã có 1.915 công trình và hệ thống công trình thủy lợi; 3.720 km kênh mương tưới các loại, đã kiên cố hoá được 2.169 km (đạt 58,3%); trên 48,92 km đê các cấp thuộc các huyện Lương Sơn, Yên Thủy và thành phố Hòa Bình. Công tác chỉ đạo tích nước ở các hồ đập, tu sửa kênh mương nội đồng được các địa phương chú trọng, do đó nguồn nước đảm bảo phục vụ sản xuất.

Tình hình thiệt hại do thiên tai: Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra rét đậm, rét hại; mưa lớn kèm giông lốc xoáy; mưa lũ gây sạt lở gây thiệt hại về người, nhà ở, tài sản, công trình, hoa màu...của người dân trên địa bàn các huyện, thành phố, ước giá trị thiệt hại khoảng 129,2 tỷ đồng. Sở đã đôn đốc chính quyền địa phương nơi xảy ra thiệt hại triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với mưa bão, triển khai các biện pháp tiêu thoát úng cho hoa màu, cắm biển cảnh báo khu vực mất an toàn, khắc phục tạm thời những vị trí sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản, theo dõi tình hình thời tiết mưa lũ để có các biện pháp ứng phó phù hợp. Tiếp tục kiểm tra, tổng hợp tình hình thiệt hại báo cáo theo quy định.

Năm 2023, toàn tỉnh có 80/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 62,01%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 28 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 63 Khu dân cư kiểu mẫu, 179 vườn mẫu. Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018, huyện Lương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, huyện Lạc Thủy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Số xã đạt từ 15-18 tiêu chí là 2 xã; số xã đạt từ 10-14 tiêu chí là 54 xã, không có xã đạt dưới 10 tiêu chí trên địa bàn toàn tỉnh.

Chương trình mỗi (OCOP) được thực hiện có chiều sâu và đảm bảo thực chất. Đến nay, có 158 sản phẩm OCOP (22 sản phẩm hạng 4 sao; 124 sản phẩm 3 sao và 12 sản phẩm tiềm năng 4 sao), riêng năm 2023 có thêm 47 sản phẩm được UBND cấp huyện đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên (có 44 sản phẩm mới, 3 sản phẩm đề nghị nâng hạng), tập trung vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của tỉnh được các khách hàng trong nước và quốc tế tin dùng như: Cam Cao phong, Bưởi đỏ Tân Lạc, Cá sông Đà, sản phẩm chế biến từ măng nứa, măng bát độ...; nhóm dược liệu như cao cà gai leo, cao xạ đen...du lịch cộng đồng, thổ cẩm dân tộc. Công tác Quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kết nối cung cầu – tiêu thụ sản phẩm OCOP được quan tâm ưu tiên hàng đầu; Có 07 sản phẩm OCOP được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Anh, EU.

Trong năm 2023, đã hỗ trợ cho 40 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được chứng nhận quy trình VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ và ISO. Lũy kế đến nay có 165 cơ sở đã và đang duy trì sản xuất và áp dụng quy trình VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đã triển khai cấp 44 mã số vùng trồng, 01 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường đi NewZaealan, tăng 130% so với kế hoạch, nâng tổng số là 71 mã số vùng trồng với 600 ha và 05 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu để xuất khẩu sang các thị trường EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Newzealand.

Thực hiện hỗ trợ các địa phương thúc đẩy xuất khẩu nông sản hiệu quả. Trong năm 2023, có 14 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đã có sản phẩm nông sản, lâm sản được xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh Quốc, Trung Quốc, Đài Loan với tổng doanh thu đạt 978,45 tỷ đồng. Các sản phẩm nông sản đã qua chế biến thường được xuất khẩu trực tiếp, chiếm 70-90% so với tổng sản lượng xuất khẩu (Cháo sen bát bảo Minh Trung; Măng các loại). 100% các sản phẩm lâm sản (gỗ) và các sản phẩm nông sản tươi (Bưởi, Cam) được xuất khẩu gián tiếp (qua đối tác thứ 3). Tỷ lệ giá trị xuất khẩu nông sản, lâm sản năm 2023 tăng 10,01% so với năm 2022.../.