DetailController

Thời sự trong ngày

Năm 2021, Hòa Bình có thêm 31 sản phẩm đạt chuẩn OCOP

12/01/2022 00:00
Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, nhưng tỉnh vẫn tiếp tục đẩy mạnh Chương trình “Mỗi xã một sảm phẩm”. Với sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, lồng ghép nhiều chính sách, đến tháng 12/2021, toàn tỉnh có thêm 31 sản phẩm OCOP đạt từ hạng 3 sao trở lên, trong đó có 4 sản phẩm 4 sao và 27 sản phẩm 3 sao.
Năm 2021, sản phẩm Cà Gai Leo Yên Thủy của Hợp tác xã Nông-Lâm nghiệp Bảo Hiệu Yên Thủy được nâng hạng OCOP từ 3 sao lên 4 sao.

Căn cứ vào chức năng của mình, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động lồng ghép, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm chủ lực, sản phẩm đã được công nhận và sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2021. Trong năm, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi kết nối, giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh đến các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Qua đó đã hỗ trợ các chủ thể xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm giá trị gia tăng, được tiêu thụ tại hệ thống phân phối hiện đại, chợ đầu mối và điểm du lịch các tỉnh. Hoạt động trên của ngành Nông nghiệp còn là cơ hội để học tập kinh nghiệp trong tổ chưc xúc tiến thương mại sản phẩm, kết nối cung cầu và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm.

Với sự cố gắng, nỗ lực của các ban, ngành và chủ thể, đến cuối tháng 11, các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành đánh giá, phân hạng cấp huyện. Tháng 12, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021. Hội đồng thống nhất phân hạng 31 sản phẩm OCOP của 27 chủ thể, gồm các sản phẩm thuộc nhóm ngành: Thực phẩm 20 sản phẩm; đồ uống 1; thảo dược 6 sản phẩm; thủ công mỹ nghệ, trang trí 2 sản phẩm; vải, may mặc 1; dịch vụ du lịch nông thôn; bán hàng 1 sản phẩm. Kết quả hết năm 2021, toàn tỉnh có 100 sản phẩm OCOP, trong đó có 22 sản phẩm 4 sao và 78 sản phẩm 3 sao.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Đó là, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp chưa thực sự mặn mà tham gia vào chương trình; chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP chưa nhiều; thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa thực sự được mở rộng...

Thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo sở, ban, ngành trong tỉnh tăng cường phối hợp, đẩy mạnh công tác truyền thông, giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, cũng như triển khai các biện pháp mở rộng thị trường, đẩy mạnh phân phối và tiêu thụ trong nước, khai thác triệt để các dư địa của thị trường nội địa. Trong đó tập trung quảng  bá,  giới  thiệu,  xúc  tiến thương mại  các  sản  phẩm OCOP đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia, sản phẩm OCOP tiêu biểu và nông sản chủ lực của các địa phương; thúc đẩy xây dựng các sự kiện giới thiệu, kết nối và phân phối sản phẩm gắn với các hình thức giỏ quà OCOP Tết nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 của từng địa phương; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất, tiêu thụsản phẩm OCOP và nông sản chủ lực của địa phương, đặc biệt là đẩy mạnh kết nối cung-cầu, mở rộng thị trường, các kênh phân phối nội địa./.