DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Mông Hóa với phong trào nuôi dê núi đá

20/08/2012 00:00

Xã Mông Hóa có tổng diện tích tự nhiên 1898,8 ha, nằm trên tuyến quốc lộ 6 và cách trung tâm huyện 4km về phía tây và tiếp giáp với các xã Phúc Tiến, Phú Minh, Dân Hạ. Toàn xã có 17 xóm với 5300 hộ. Nghề nghiệp chính là sản xuất nông nghiệp nên kinh tế phát triển chậm. Nhằm thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân xã về phát triển kinh tế - xã hội, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn sang sản xuất hàng hóa, xã đã vận động người dân chuyển những diện tích đất nông nghiệp có năng xuất thấp sang trồng các loại cây thực phẩm, cải tạo các loại vườn tạp để chuyển sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp có gía trị. Đặc biệt, phát huy lợi thế của một xã có diện tích vùng đồi núi lớn, những năm gần đây, phong trào chăn nuôi gia súc ở xã Mông Hóa huyện Kỳ Sơn phát triển mạnh cả về quy mô lẫn số lượng đàn vật nuôi. Trong đó chăn nuôi dê đang được coi là mũi nhọn đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân

       Với lợi thế về tự nhiên dựa vào núi đá nên chăn nuôi dê ở Mông Hóa mới phát triển vài năm trở lại đây. Để những hộ dân chăn nuôi dê có hiệu quả, chính quyền địa phương xã đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông khuyến ngư tỉnh mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng và phòng trị bệnh… Với sự giúp đỡ của cán bộ kỹ thuật đến nay đại đa số các hộ chăn nuôi dê đã nắm được kỹ thuật và có kinh nghiệm để vận dụng vào điều kiện thực tế của gia đình mình. Thông qua lớp tập huấn nhiều hộ biết cách phòng trị một số bệnh thông cho dê thường như: tiêu chảy, lở  mép, chướng hơi.   

        Dê là động vật hoang dã, sống thành từng bày đàn, là loài động vật rất dễ nuôi. Có thể nuôi theo hình thức chăn thả hoặc nuôi nhốt trong chuồng. Diện tích chuồng nuôi dê không quá lớn khoảng 20 – 25m2 là có thể nuôi nhốt được 10 con dê, vật dụng làm chuồng được bà con tận dụng những cây tre, cây nứa để làm lên cũng không tốn kém. Tuy nhiên, làm chuồng người nuôi phải làm sàn cho dê ở nhằm tránh dịch bệnh. Để đàn dê phát triển mạnh khoẻ, cần ngăn chuồng nuôi riêng đối với con dê đang trưởng thành và dê chuyên sinh sản. Đồng thời, cần bảo đảm tỷ lệ trung bình một con dê đực nhận việc nhân giống với 20 con dê cái và từ 2 năm trở lên cần thay thế dê đực để tránh thoái hóa.

       Nuôi dê ở Mông Hóa có được lợi thế là dựa vào núi đá bạt ngàn, dê cũng là loài sinh sản rất nhanh. Một con dê cái trưởng thành bình quân sinh sản 2,5 lứa/năm, mỗi lứa từ 1-2 con. Người nuôi chỉ cần đầu tư 5 con dê nái là một năm người nuôi có thể có tới 20 con dê con.

Dê mà người dân nuôi chủ yếu là giống dê cỏ, dê địa phương có lông màu vàng nâu hay loang đen, loang trắng. Giống dê này chỉ nặng chừng 20-30kg/con. Dê là loài ăn tạp, chúng chủ yếu ăn các loại lá cây lên người nuôi không tốn về chi phí thức ăn, chỉ để ý chăm sóc tới chúng cho hợp lý, theo kinh nghiệm của nhiều hộ dân nơi đây thì không lên thả dê vào buổi sáng sớm khi đó sương vẫn còn ướt trên ngọn cỏ, lá cây…dê ăn dễ bị tiêu chảy, đặc biệt dê là loài rất sạch sẽ chúng chỉ ăn những lá ở tầm cao.

        Hiện nay, thịt dê đang trở thành món ăn đặc sản cho các nhà hàng, khách sạn. Nhiều khách hàng cho rằng ăn thịt dê núi đá ngon bởi chúng leo trèo nên thịt rất săn chắc, thơm ngon, ít mỡ hơn so với dê nhốt chuồng. Gía bán 130.000đồng/1kg. Nhờ chăn nuôi dê mà nhều hộ thu nhập 40-50 triệu đồng/năm như hộ ông Dục, ông Mai.

Ông Nguyễn Đăng Dung – Chủ tịch UBND xã Mông Hóa chia sẻ: “Tận dụng đồi rừng, núi đá người dân đã biết chuyển đổi từ chăn nuôi lợn, gà sang chăn nuôi con đặc sản như dê đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trước kia từ một đến 2 hộ nuôi, nay phát triển đến 20 hộ, nhiều nhà có của ăn của để từ mô hình nuôi dê núi đá này”.

       Từ mô hình chăn nuôi đó, đến giờ ở xã Mông Hóa đang trở thành phong trào nuôi dê rộng khắp các núi đá với tổng số khoảng 400 con tập trung chủ yếu ở các xóm Suối Ngành, xóm Hang Nước và xóm Dụ 6. Cũng chính từ chăn nuôi dê và trồng trọt thêm mà thu nhập bình quân hàng năm đạt 13,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 3,0%. Trong thôn xóm đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi được mọi người học tập và noi theo.

       Tuy nhiên, nếu chăn nuôi chỉ dựa vào kinh nghiệm theo lối quảng canh thì khó trở thành vùng tập trung, quy mô ổn định. Các hộ chăn nuôi chủ yếu là tự phát do đó kiến thức về khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Để duy trì và mở rộng đàn dê, chính quyền địa phương phải tìm ra những giải pháp phù hợp cho các hộ nuôi dê. Vấn đề đó là cần có cơ chế đầu tư kinh phí như hỗ trợ, tạo điều kiện cho vay vốn, cung cấp giống, vận động nhân dân ở những vùng có lợi thế tăng quy mô đàn, số lượng con nuôi, có như thế mới có thể đáp ứng nhu cầu cung cấp thịt thương phẩm trước mắt và lâu dài cho thị trường.

        Ngoài việc và phát triển đàn dê địa phương cần phải có sự cải tạo để đàn dê phát triển theo hướng thịt một cách hiệu quả mang lại nguồn thu nhập đáng kể, đưa những giống con nuôi có giá trị, năng suất và chất lượng vào chăn thả. Ngoài ra, địa phương cần bố trí quy hoạch bãi chăn thả, vùng phát triển dê, tích cực tuyên truyền về hiệu quả của việc nuôi dê và vận động, khuyến khích các hộ được giao quản lý đồi rừng kết hợp với chăn thả dê./.