Để đối phó với tình trạng thiếu điện, bà con đã tìm cách làm “thủy điện mi-ni” dựa vào nguồn nước suối từ khe núi. Mấy năm về trước, khi lần đầu tiên ở thôn có người mua máy phát điện, dù ánh điện phát ra lờ mờ nhưng ai cũng mừng vui khôn tả. Từ đó người dân trong thôn đua nhau góp tiền mua máy phát điện mi-ni về dùng. “Thủy điện mi-ni” tuy không tạo nguồn điện lớn nhưng cũng đủ cho bà con dùng những thiết bị điện thiết yếu. Thế là hàng chục chiếc máy phát điện mi-ni xếp hàng dọc khe núi. Dây điện nối trên cây, mặt đất như mạng nhện.
Lợi ích từ “thủy điện mi-ni” thì đã rõ, nhưng bà con lại phải đối mặt với nhiều hiểm nguy từ nguồn điện này.
Nhớ lại một lần bị điện giật mà đến nay chị Bạch Thị Riệu vẫn còn sợ hãi. Vào một buổi trưa khi đang nằm nghỉ, bất ngờ chị nghe tiếng kêu của con trai là Bùi Văn Luân. Cậu bé mới 5 tuổi ấy bị điện giật. Quá hốt hoảng, chị chạy tới kéo con ra ngoài. Tuy nhiên, không những không kéo được con mà chị còn bị dòng điện hút vào, nằm bất tỉnh tại chỗ. Rất may, chồng chị có mặt kịp thời nên hai mẹ đều thoát nạn. Anh Bùi Văn Thỉnh (chồng chị Riệu) cho biết, từ ngày người dân trong thôn sử dụng nguồn điện này đã không ít người “dính bẫy” vì dây điện trần chạy như mạng nhện trên các sườn núi. Không chỉ con người, mà gia súc cũng thường xuyên bị điện giật.
Từ những tai nạn trên, người dân nhận thấy sự nguy hiểm, đành bỏ bớt máy phát điện mi-ni. Ông Bùi Văn Điện, Trưởng thôn Lộng cho biết thêm, hiện cả thôn vẫn còn 4 máy phát điện mi-ni, cứ 4-5 hộ dùng chung một máy, thế nên nhà có điện, nhà không. “Đây là nhu cầu cần thiết trong đời sống người dân, nên mình đâu cấm được. Chỉ lo cho bà con lên nương rẫy, xuống khe lấy nước, kiếm củi; nhất là bọn trẻ đi chăn trâu nô đùa, nếu vướng phải điện thì không thể hình dung hậu họa thế nào...” - ông Điện thở dài nói.