DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Mái ấm" ở bản Lác 2

11/10/2011 00:00
Sinh ra trong gia đình nghèo, bố mất sớm, 3 mẹ con sống bám víu vào nhau nên chị Vi Thị Thuận, người Thái, ở bản Lác 2, xã Chiềng Châu (Mai Châu) hiểu rất rõ nỗi niềm của con nhà nghèo và những khó khăn thường gặp. Vì thế mà chị đã mạnh dạn đứng ra thành lập Cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật Thuận Hòa, giúp các em có cơ hội hòa nhập cộng đồng.
Chị Thuận và em Bùi Thị Hưng tại gian hàng.

Lần đầu gặp gỡ, trò chuyện, nhưng tôi cảm thấy rất khâm phục và cảm mến người phụ nữ này, bởi chị giản dị, đôn hậu, rất tâm huyết khi nói về công việc của mình. Cũng giống như nhiều gia đình người Thái ở bản Lác 2, gia đình chị vừa làm nông nghiệp, vừa dệt thổ cẩm để kiếm sống. Khi lập gia đình, chị Thuận cũng đem tay nghề dệt của mình về nhà chồng, ngoài lúc lên nương, chị cặm cụi dệt vải, thêu áo, túi, khăn... để bán cho khách du lịch, có thêm thu nhập. Dần dà, kinh tế gia đình chị khá lên, hàng bán chạy hơn, chị có điều kiện đi tham quan nhiều nơi và thấy rằng, phải thành lập cơ sở sản xuất lớn mới có thể làm giàu.

Năm 2006, trong một lần về Hà Nội, chị có dịp đi tham quan phố cổ và bỗng phát hiện ra ở đây có nhiều sản phẩm thổ cẩm quê chị được treo trong những cửa hàng sang trọng dành cho khách nước ngoài. Ngay lúc đó, một ý tưởng lóe lên trong chị: "Mình sẽ là đầu mối thu gom thổ cẩm, giao bán cho các cửa hàng ở Hà Nội". Trở về quê, chị lên kế hoạch đến các xã vùng sâu, vùng xa, nơi những phụ nữ Thái, Mông coi thổ cẩm như là một trang phục truyền thống để thu gom sản phẩm. Trong những chuyến đi như thế, chị chứng kiến nhiều em nhỏ tật nguyền vẫn cặm cụi thêu để đổi lấy gạo ăn. Nhiều mảnh đời rất đáng thương, trong đó nhiều em còn không biết nói tiếng phổ thông. Thương các em, chị bàn với chồng nhận các em về dạy nghề dệt thổ cẩm. Đây cũng là bước ngoặt của cuộc đời chị. Năm 2007, chị đứng ra thành lập Cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật Thuận Hòa.

Chị Thuận cho biết: "Đến nay, đã có khoảng 120 em khuyết tật, phụ nữ nghèo đến học nghề tại cơ sở. Hiện, có 17 em khuyết tật đang được truyền nghề miễn phí, nuôi ăn ở và tạo việc làm, trả lương theo sản phẩm. Tôi thuê người ngoài giá bao nhiêu thì cũng trả công cho các em bấy nhiêu. Có một điều là các em đều ý thức được hoàn cảnh của mình và có khát vọng thay đổi cuộc sống nên rất nỗ lực học hỏi, làm việc, thậm chí còn chăm chỉ gấp đôi, gấp ba người bình thường".

Đơn cử như em Bùi Thị Hưng người Mường ở xã Piềng Vế (Mai Châu), sinh năm 1985 nhưng bị gù từ nhỏ nên mọi sinh hoạt, học hành đều khó khăn. Đến học nghề ở Cơ sở Thuận Hòa từ năm 2007, từ lúc chưa biết cầm chỉ thêu nhưng đến nay Hưng đã thành thạo nghề, được trả lương hơn 1 triệu đồng/tháng.

Tháng 5/2011, chị Thuận bỏ vốn ra để làm một căn nhà cho các em khuyết tật ăn ở, tự nấu nướng và bán hàng, toàn bộ số tiền lãi, chị dành để trả công cho các em. Hiện, thu nhập trung bình của các em đạt 800.000 - 1,2 triệu đồng/người/tháng. Điều thú vị là chị Thuận chưa bao giờ đi học mà mọi thứ đều tự mày mò, tìm hiểu. Ngay cả việc học máy vi tính, vào mạng internet chị cũng tự tìm tới các cửa hàng internet trên địa bàn để nhờ hướng dẫn, gặp cái gì hay, chị copy vào thẻ nhớ rồi mang về nhà tìm hiểu dần. Chính vì thế mà cơ sở của chị Thuận liên tục sản xuất ra các mẫu mới, sản phẩm đã có mặt ở nhiều cửa hàng lưu niệm tại Hà Nội, doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2010, cơ sở của chị thu về 300 triệu đồng, trừ chi phí và trả công cho các em khuyết tật, chị lãi khoảng 40 triệu đồng.

Đầu năm 2011, được sự tư vấn, giới thiệu của Trung tâm Nghị lực sống Hà Nội, chị Thuận mạnh dạn tham gia dự án "Doanh nhân xã hội" do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến và phục vụ cộng đồng tổ chức. Chị Thuận đã thức trắng nhiều đêm để viết dự án xin tài trợ 500 triệu đồng nhằm tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật, mở rộng cơ sở sản xuất, đào tạo tiếng Anh cơ bản để các em có thể giao tiếp với khách du lịch nước ngoài... Nếu dự án được phê duyệt, chị sẽ được hỗ trợ 20.000 - 30.000 USD trong 24 tháng để đào tạo nghề cho khoảng 200 em khuyết tật, giúp các em có việc làm ổn định và cơ sở của chị cũng là nơi bao tiêu sản phẩm.

Chị Thuận cho biết: "Nếu được phê duyệt, cấp kinh phí, tôi sẽ cố gắng hết sức để dự án phát huy hiệu quả. Hiện nay, người dân bản Lác 2 vẫn còn nghèo, nhất là những gia đình có người khuyết tật. Ở các thành phố lớn, người khuyết tật được tạo điều kiện, nhưng ở miền núi như Hòa Bình thì thiệt thòi đủ thứ. Chính vì thế mà tôi mong muốn dự án của mình sẽ góp phần thay đổi tương lai của các em. Tuy nhiên, điều tôi mong mỏi lớn nhất vẫn là xây dựng được chuỗi cửa hàng do chính người khuyết tật làm chủ".