DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Lương Sơn: Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh phát triển rừng

03/01/2024 16:30
Huyện Lương Sơn có tổng diện tích đất tự nhiên trên 36.482 ha, trong đó: Diện tích đất có rừng trên 15,3 nghìn ha; diện tích chưa thành rừng và đất trống, đất khác 9,9 nghìn ha. Tỷ lệ che phủ rừng hằng năm duy trì 42%.
Người dân xã Tân Vinh trồng và phát triển rừng keo

Thời gian qua, huyện đã tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt các nguồn vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư cho phát triển rừng; huy động nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và người dân tham gia, hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; góp phần nâng cao chất lượng và độ che phủ rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội giữ vững an ninh, quốc phòng của địa phương. Trong giai đoạn 2020 – 2023 huyện trồng được trên 255 nghìn cây phân tán. Triển khai thực hiện Dự án bảo vệ và phát triển rừng và kế hoạch trồng rừng hàng năm, trong giai đoạn 2020-2023 được 3.190,58 ha rừng, trong đó có 112,5 ha diện tích trồng và chăm sóc rừng trồng gỗ lớn tại 03 xã (Cao Sơn, Liên Sơn, Thanh Sơn); tổng diện tích khai thác rừng trồng: 3.266,93 ha, với sản lượng đạt 233.087,8 m3; tổng thu nhập từ khai thác rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ đạt trên 351 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc trồng rừng cây gỗ lớn, trồng cây lâm sản ngoài gỗ chưa được quan tâm đúng mức; quản lý nhà nước về chất lượng giống cây lâm nghiệp do hộ dân tự đầu tư trồng rừng chưa chặt chẽ; việc ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất lâm nghiệp còn ít; hiệu quả kinh tế từ sản xuất lâm nghiệp còn thấp.

Công tác bảo vệ rừng được chú trọng. Huyện đã tập trung thực hiện bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên 3.450,33 ha, đảm bảo chỉ tiêu duy trì độ che phủ rừng 42%. Hằng năm, UBND huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý bảo vệ và phát triển lâm nghiệp; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương. Cấp ủy chỉ đạo chính quyền cấp xã, chủ rừng chủ động xây dựng phương án và tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đạt kết quả tốt.

Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung tuyên truyền người dân về phát triển và bảo vệ rừng; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh phát triển rừng; ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu phát triển về giống cây trồng; quy hoạch khu vực chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các làng nghề thủ công chế tác gỗ trên địa bàn, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Thực hiện giao đất, giao rừng, mở rộng diện tích rừng sản xuất, rừng lấy gỗ, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung. Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ giữa Hạt Kiểm lâm, các Ban Quản lý rừng và UBND các xã trong việc thực thi pháp luật bảo vệ rừng trên địa bàn; xử lý nghiêm các vụ việc khai thác lâm sản trái phép, xâm phạm đất rừng phòng hộ và đề phòng cháy rừng trong mùa khô. Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách liên quan đến bảo vệ, phát triển rừng trồng thay thế và phí dịch vụ môi trường rừng, kinh phí cấp chứng chỉ rừng, bảo vệ rừng phòng hộ. Nghiên cứu, phát triển mô hình trồng cây dược liệu, cây nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện sinh trưởng dưới tán rừng, từng bước hỗ trợ, chuyển giao cho các hộ thực hiện trên diện tích đất rừng được giao, bảo đảm phát triển rừng bền vững./.