Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã triển khai 33 dự án liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp cho 45 hợp tác xã trên trên địa bàn tham gia với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách là 33,9 tỷ đồng, huy động 124,6 tỷ đồng đối ứng của doanh nghiệp, hợp tác xã. Xây dựng 4 mô hình hợp tác xã thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm cây có múi (cam, bưởi, quýt) tại các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Tân Lạc; 4 mô hình hợp tác xã thực hiện chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực như: rau an toàn, nhãn Sơn Thủy, cá Sông Đà, chè Shan tuyết. Các mô hình, dự án đều được hỗ trợ, hướng dẫn sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), VietGAP... để được cấp các chứng nhận; hỗ trợ kiểm định chất lượng, tem truy xuất nguồn gốc nông sản, cấp mã số vùng trồng. Tập huấn, đào tạo 8,87 nghìn lượt cán bộ quản lý hợp tác xã được bồi dưỡng kiến thức; đào tạo dài hạn cho 55 cán bộ hợp tác xã học cao đẳng và đại học; tổ chức 50 lớp dạy nghề, truyền nghề cho trên 2.000 thành viên và người lao động; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 930 lượt người lao động và người sử dụng lao động; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho 875 lượt cán bộ công chức cấp huyện, cấp xã về kinh tế tập thể… với tổng kinh phí hỗ trợ là 5,142 tỷ đồng. Thí điểm đưa 17 cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn tại 13 hợp tác xã trong giai đoạn với kinh phí hỗ trợ 1.44 tỷ đồng từ nguồn chương trình xây dựng nông thôn mới.
Toàn tỉnh đã xây dựng, triển khai trên 600 mô hình áp dụng kỹ thuật IPM (Quản lý dịch hại tổng hợp) trên các loại cây trồng chủ lực như: Cây ăn quả có múi, mía, rau, lúa, ngô... với quy mô mỗi mô hình từ 0,5 ha - 20 ha. Các mô hình triển khai thực hiện đều gắn với các hợp tác xã, tổ hợp tác tại địa phương. Triển khai 9 lớp tập huấn, tuyên truyền văn bản pháp luật về đăng ký, quản lý và duy trì mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho các hợp tác xã, nông dân nòng cốt. Hỗ trợ cấp 14 mã số vùng trồng và 7 mã số cơ sở đóng gói cho các cơ sở, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã hỗ trợ các cơ sở xuất khẩu chính ngạch ra nước ngoài được 830 tấn chuối, nhãn, mía tím. Thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm trong sản xuất trồng trọt cho 3 hợp tác xã, tổ hợp tác với tổng diện tích chứng nhận 185,4 ha. Đến hết năm 2021, đã có 59 hợp tác xã, tổ hợp tác được chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP với tổng diện tích được chứng nhận 1.495 ha. Các sản phẩm đã được chứng nhận tập trung vào nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh như: quả có múi (cam, bưởi), rau an toàn các loại, chuối, thanh long, nhãn, lợn bản địa, dê, gà thả vườn đồi, cá nuôi lồng hồ thủy điện Hòa Bình.
Trong công tác tuyên truyền, đã biên soạn và in ấn 11,5 nghìn cuốn sổ tay hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây có múi, cây rau, lúa, ngô, mía. Phát 18.750 tờ rơi về hướng dẫn sử dụng và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng nhằm thúc đẩy tăng tỷ lệ thu gom, bảo vệ môi trường. Hỗ trợ hơn 9,98 triệu tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm liên kết chuỗi: cam Cao Phong, cam Mường Động, bưởi đỏ Tân Lạc, cá Sông Đà, thịt lợn, trà các loại, măng các loại… Hỗ trợ 242 nghìn tem truy xuất điện tử. Hỗ trợ 14,3 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới xây dựng 24 công trình (trụ sở, nhà kho, xưởng sơ chế, chế biến, cửa hàng vật tư với tổng diện tích 4.170,4 m2; hệ thống tưới, hệ thống điện phục vụ cho 121,7 ha diện tích sản xuất của các hợp tác xã).
Bên cạnh đó, đã thực hiện chuyển giao 400 quy trình công nghệ; xây dựng được 150 mô hình sản xuất, trình diễn; đào tạo được trên 100 kỹ thuật viên và tập huấn cho gần 4.000 lượt người. Ngân hàng, Quỹ tín dụng Nhân dân trên địa bàn có dư nợ cho vay đối với các hợp tác xã trên địa bàn tính đến hết năm 2021 đạt 24.936 triệu đồng (chiếm 0,1% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn). Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã cho 19 lượt vay vốn của hợp tác xã với doanh số ước đạt 3,98 tỷ đồng. Quỹ Quốc gia về việc làm đã giải ngân cho 8 hợp tác xã vay vốn với dư nợ là 951,645 triệu đồng. Quỹ hỗ trợ hợp tác xã Việt Nam cho 03 hợp tác xã vay với tổng vốn 3,47 tỷ đồng; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh đã hỗ trợ 1,45 tỷ đồng cho 4 hợp tác xã vay ưu đãi ứng dụng công nghệ mới.
100% các cơ sở tham gia vào các mô hình liên kết đã được hỗ trợ tham gia vào hệ thống truy xuất nguồn gốc xác thực chống giả và kết nối cung cầu tỉnh Hòa Bình (tại https://hb.check.net.vn/). Hiện đã có 40 hợp tác xã tham gia với 200 sản phẩm được quảng bá và giới thiệu trên hệ thống. Ngoài ra, thường xuyên có trên 50 đơn vị được cập nhật, đăng thông tin trong danh sách Chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên website của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Mục Địa chỉ xanh-Nông sản sạch). Xây dựng 2 mô hình liên kết sản xuất, 26 dự án chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có các hợp tác xã, hộ nông dân tham gia.
Tổ chức triển khai hỗ trợ trên 100 lượt hợp tác xã tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh; tổ chức 03 chương trình xúc tiến thương mại lớn, 10 cuộc hội nghị kết nối cung cầu phát triển vùng nguyên liệu theo nhóm ngành hàng, 10 cuộc làm việc hiện trường đưa hợp tác xã và doanh nghiệp gặp gỡ, tổ chức các đợt bán hàng lưu động cho hợp tác xã. Đặc biệt từ năm 2021 để thích ứng với tình hình khó khăn do dịch bệnh Covid 19, Liên minh hợp tác xã tỉnh thành lập tổ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã; tổ chức 12 buổi họp ZOOM trực tuyến để kết nối tiêu thụ theo từng nhóm sản phẩm rau củ quả, cây có múi, nhãn Sơn Thủy, lương thực thực phẩm…; Tổ chức 12 hội thảo chuyên đề, chuyên sâu thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã hướng dẫn hợp tác xã bán hàng online, liên kết đưa sản phẩm hợp tác xã lên sàn giao dịch điện tử Sendo, Voso, Postmart, trang kết nối cung cầu của Liên minh hợp tác xã Việt Nam, giúp nhiều hợp tác xã ký kết được hợp đồng tiêu thụ, một số đưa được hàng hóa vào các Siêu thị lớn như CoopMart, BigC...Triển khai 6 mô hình trình diễn kỹ thuật với tổng kinh phí 1.97 tỷ đồng. 58 sản phẩm OCOP cho 41 hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ áp dụng quy trình VietGap, truy suất nguồn gốc, xây dựng và đăng ký bảo hỗ tem nhãn hàng hóa....
Tuyển chọn, tổ chức thực hiện, nghiệm thu và bàn giao kết quả thực hiện 16 đề tài về xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (14 đề tài về nhãn hiệu chứng nhận; 02 đề tài về chỉ dẫn địa lý). Xây dựng 110 chuyên mục/phóng sự/tin bài nhằm quảng bá và giới thiệu sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực của tỉnh. Hiện nay, nhiều sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản thế mạnh của tỉnh từ các hợp tác xã sản xuất đã được bán tại các hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch... tạo được uy tín và được người tiêu dùng tin tưởng, tiêu thụ tốt. Đến nay, Ủy ban nhân dân, Hội Nông dân các huyện, thành phố đã hoàn thiện hồ sơ và đăng ký bảo hộ: 07 nhãn hiệu chứng nhận và 05 nhãn hiệu tập thể ./.