DetailController

Văn hóa

Lễ rước Bụt hang Khụ Dúng của dân tộc Mường ở Hòa Bình

02/01/2013 00:00
Lễ rước Bụt Khụ Dúng, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn là lễ hội cầu mùa, khai hạ đầu năm mới có nguồn gốc từ xa xưa của người dân Mường Vó (Vó Trên, Vó Giữa và Vó Dò) thuộc xã Nhân Nghĩa hiện nay. Theo quy định của nhà Lang Mường Vó trước đây phải sau khi tổ chức xong lễ rước Bụt (lễ Khai hạ), mọi người dân trong xóm, trong Mường mới được phép vào rừng lấy măng, lấy củi, săn bắn...

Lễ hội rước Bụt Khụ Dúng được tổ chức như để tổng kết một năm sản xuất đã qua và để mở đầu cho công việc của một năm mới thuận lợi hơn. Thông qua lễ hội là nơi con ngư­ời tiếp cận, giao tiếp cởi mở với nhau, gạt bỏ những mối lo toan vất vả của cuộc sống th­ường nhật, cùng nhau thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng làng xóm của cư dân Mường. Lễ hội còn là nơi con ngư­ời tìm cách thông linh (tiếp cận với thần linh) cầu mong cho xóm làng yên vui, mùa màng bội thu, con ngư­ời và vạn vật sinh sôi phát triển, cũng thông qua lễ hội để tỏ lòng tôn kính của mình với các vị thần, phật đó chính là  những ước mơ, khát vọng rất đỗi bình dị trong mỗi con ng­ười chúng ta.

Lễ hội diễn ra trong 2 ngày: từ ngày 28 đến 29/01/2012 (tức ngày mùng 6 đến mùng 7 tháng giêng âm lịch năm Nhâm Thìn).

 

Lễ hội gồm có hai phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức theo lễ cổ truyền và kết hợp với nghi lễ hiện đại. Lễ cổ truyền sẽ tổ chức đám rước kiệu Bụt từ hang Khụ Dúng đến các điểm thờ tại xóm Vó Trên, Vó Dò, Vó Giữa để làm lễ cúng thần, sau đó lại rước Bụt trở về bãi trung tâm lễ hội để tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội, khi kết thúc lễ hội mới rước Bụt trở về hang. Phần hội tổ chức gồm: Các trò chơi dân gian mang tính chất thi thố tài năng và vui chơi có thưởng như: Lặn đồng xu, bắt trạch trong chum, leo cột mỡ, bắn nỏ, đánh mảng, ném còn, đi cà kheo... Các hoạt động văn nghệ dân gian truyền thống như: hát đúm, thường đang bộ mẹng, hát ví dao duyên, thi trình tấu nhạc cụ dân tộc... ngoài ra Ban tổ chức còn lựa chọn một số môn thể thao hiện đại để đưa vào thi đấu trong ngày hội như bóng chuyền, cầu lông...Tổ chức thi đấu vòng loại các trò chơi dân gian truyền thống, các môn thể thao hiện đại; Thi văn hóa ẩm thực, văn nghệ dân gian truyền thống trình tấu nhạc cụ dân tộc sáo, nhị, sắc bùa, hát ví giao duyên, thường rang bộ mẹng dân tộc Mường. Tổ chức thi chung kết các trò chơi dân gian truyền thống và các môn thể thao hiện đại. trao giải cho các đội đoạt giải các trò chơi dân gian, các môn thể thao hiện đại; Tổng kết lễ hội, làm lễ rước Bụt trở về hang Khụ Dúng và kết thúc lễ hội.

Lễ hội rước Bụt thể hiện sự giao thoa của văn hóa Việt - Mường trong tín ngưỡng thờ tổ tiên, cầu mong thần linh phù hộ độ trì cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia súc, gia cầm sinh sôi, con người mạnh khỏe, vạn sự như ý...

Đồng thời thể hiện niềm khát khao về một cuộc sống thanh bình sung túc của bản Mường, là chỗ dựa tâm linh để người Mường vươn tới chân - thiện - mỹ trong cuộc sống. Lễ hội còn là nơi con người tìm cách thông linh (tiếp cận với thần linh), qua lễ hội để tỏ lòng tôn kính của mình với các vị thần, phật./.