Đối với dự án Luật Giá (sửa đổi) có 8 Chương, 72 Điều, so với luật hiện hành đã bổ sung 3 chương nhằm thể chế hóa đường lối của Chính phủ về quản lý, điều hành giá trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Góp ý vào dự án luật, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Giá sửa đổi sẽ khắc phục được những bất cập và hạn chế của Luật Giá năm 2012; việc sửa Luật Giá là công cụ pháp lý hữu hiệu để chống việc độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, trong dự án Luật Giá sửa đổi vẫn còn một số nội dung cần rà soát, bổ sung, điều chỉnh bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi gồm 10 chương, 92 điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi năm 2022 đã sửa đổi 85 điều, bổ sung 5 điều, giữ nguyên 2 điều, bãi bỏ 11 điều với nội dung tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác đấu thầu. Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh, hoàn thiện các quy trình về hình thức, phương thức tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Đồng thời, khắc phục bất cập, hạn chế, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, tiếp tục cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đấu thầu, hoàn thiện quy định về ưu đãi, hỗ trợ sản xuất trong nước.
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đấu thầu để phù hợp với các quy định hiện hành. Một số ý kiến đề nghị làm rõ các quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu; công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; quy định về ưu tiên, ưu đãi cho nhà thầu có sử dụng lao động thuộc nhóm yếu thế; các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu; những trường hợp bị cấm tham gia đấu thầu.
Đồng chí Hoàng Đức Chính, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp để tham gia đề xuất tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV./.