DetailController

Chính trị

Lan tỏa giá trị văn hóa Mường trên quê hương mới

04/09/2024 14:42
Trong buổi tiếp xúc cử tri ngoài nơi cư trú do Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình tổ chức tại huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) mới đây, nhiều ý kiến cử tri kiến nghị, tỉnh Hòa Bình có chính sách hỗ trợ khôi phục xây dựng nhà sàn truyền thống để người dân có nơi hội họp và lưu giữ bản sắc văn hóa Mường trên quê hương mới. Đồng thời, khôi phục một số nghi lễ và nghề truyền thống để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng của nhân dân địa phương.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri ngoài nơi cư trú

Giữ gìn, phát huy những nét văn hóa đặc trưng

Ngọc Hồi là huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum. Trong những năm qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn, nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Kết quả là khu vực nông thôn của huyện đạt được những thành tựu khá toàn diện, đến nay toàn huyện đã có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến hết năm 2024 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Theo báo cáo của UBND huyện Ngọc Hồi tại buổi TXCT, hiện nay, tổng số hộ dân của tỉnh Hòa Bình theo chương trình di dân làm kinh tế mới đến sinh sống trên địa bàn là 764 hộ. Trong đó, có 24 hộ nghèo, 21 hộ cận nghèo, 7 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, còn lại đa số hộ khá giả. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Ngọc Hồi luôn chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân Hòa Bình đến sinh sống, làm việc tại địa phương. Nhìn chung, người dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương...

Tuy nhiên, hiện nay, một số hộ ở thôn Ngọc Tặng, Hòa Bình (xã Đắk Kan) từ thời điểm vào Ngọc Hồi đến nay vẫn đang sinh sống trên đất nông nghiệp và chưa được cấp đất ở. Do đó, UBND huyện đề nghị, cấp có thẩm quyền hướng dẫn miễn thuế chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang thổ cư để người dân yên tâm sản xuất. Ngoài ra, cần có các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế cho các hộ thuộc diện di dân để các hộ từng bước vượt qua khó khăn trong bối cảnh không được hưởng các chính sách đặc thù của Nhà nước.

Cũng tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đồng bào DTTS tỉnh Hòa Bình cũng kiến nghị, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm đầu tư xây dựng cho người dân thôn Bắc Phong (xã Pờ Y) và thôn Hào Lý (xã Sa Loong) một ngôi nhà sàn theo truyền thống của dân tộc Mường để người dân có nơi sinh hoạt cộng đồng và lưu giữ các sản phẩm, dụng cụ, thiết chế văn hóa truyền thống, đặc trưng.

Đặc biệt, cử tri mong muốn, tỉnh Hòa Bình quan tâm, tổ chức các đợt thăm hỏi, động viên người dân; nhất là các dịp lễ, tết để người dân có thêm động lực, yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế trên quê hương mới. Đồng thời, quan tâm, hỗ trợ người dân học tập phát triển du lịch cộng đồng để vừa giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Mường vừa giúp tăng thêm thu nhập…

Để tâm nguyện của cử tri được cụ thể bằng hành động thực tế

Ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, ĐBQH tỉnh Hòa Bình Ngô Văn Tuấn mong muốn, cử tri đồng bào các DTTS sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, luôn gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, hướng về quê hương nguồn cội. Đồng thời, cảm ơn cấp ủy, chính quyền tỉnh Kon Tum nói chung, huyện Ngọc Hồi nói riêng đã tạo mọi điều kiện để người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, an cư lâu dài. Đối với những kiến nghị chính đáng về bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Mường trên quê hương Ngọc Hồi, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị, các cấp chính quyền xem xét, có hướng cụ thể để đáp ứng nguyện vọng của cử tri...

Hoạt động tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn cư trú tại huyện Ngọc Hồi của Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình không chỉ là cầu nối giữa chính quyền với Nhân dân mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của các đại biểu trong việc lắng nghe, đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Đây cũng là cơ hội để các ĐBQH hiểu rõ hơn về thực tiễn đời sống và có những điều chỉnh cần thiết trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách. Những trăn trở mà cử tri nêu ra đều được các ĐBQH cam kết sẽ truyền tải tới các cấp có thẩm quyền để giải quyết kịp thời.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc chia sẻ, một trong những kết quả nổi bật từ hoạt động tiếp xúc cử tri ngoài địa phương là giúp cử tri cảm nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với đời sống và những nhu cầu chính đáng của họ. Khi được lắng nghe, cử tri sẽ cảm thấy mình không đơn độc mà luôn có các ĐBQH bên cạnh để đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình.

Đây là minh chứng cho việc hoạt động tiếp xúc cử tri không chỉ dừng lại ở việc lắng nghe, mà còn thể hiện trách nhiệm của từng ĐBQH trong việc cụ thể hóa tâm nguyện của cử tri thành hành động thực tế. “Hy vọng rằng, những buổi tiếp xúc như vậy sẽ ngày càng trở thành cầu nối hiệu quả giữa cử tri và Quốc hội, góp phần xây dựng một Quốc hội ngày càng dân chủ, đổi mới, thực sự vững mạnh”, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc bày tỏ.