Huyện Lạc Thủy được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Theo Bộ tiêu chí nông thôn mới đến năm 2021 huyện Lạc Thủy có 04/08 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao.
Theo Bộ tiêu chí Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025: Kết quả thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới: Số xã đạt từ 15-18 tiêu chí: 08/08 xã (Phú Nghĩa, An Bình 18 tiêu chí, Đồng Tâm, Phú Thành, Hưng Thi, Thống Nhất: 17 tiêu chí, Khoan Dụ, Yên Bồng 16 tiêu chí); số tiêu chí bình quân đạt 17 tiêu chí/xã. Kết quả thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao: Số xã đạt từ 10-14 tiêu chí: 04 xã (Đồng Tâm, Phú Nghĩa: 14 tiêu chí; Khoan Dụ, Phú Thành: 12 tiêu chí); số xã đạt dưới 10 tiêu chí: 04 xã (An Bình, Thống Nhất, Hưng Thi, Yên Bồng: 7 tiêu chí); số tiêu chí bình quân đạt 10,0 tiêu chí/xã.
Tổng số khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu toàn huyện đạt 15 khu dân cư, 40 vườn vườn mẫu. Toàn huyện có 61 trang trại đạt tiêu chí kinh tế trang trại theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định tiêu chí kinh tế trang trại.
Toàn huyện có 05 sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng bảo hộ: 01 nhãn hiệu tập thể “Cam Lạc Thủy”, 04 nhãn hiệu chứng nhận: “Gà Lạc Thủy”, “Chè Sông Bôi”, “Na Lạc Thủy”, “Dê Lạc Thủy”. Quản lý và phát triển các sản phẩm OCOP 17 sản phẩm (04 sản phẩm 4 sao, 13 sản phẩm 3 sao). Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện. Và kiện toàn Văn phòng Điều phối nông thôn mới để giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, HĐND huyện, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, Thanh tra huyện có kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát công tác xây dựng nông thôn mới ở cấp ủy, chính quyền các xã, các ngành, đơn vị phụ trách chỉ tiêu, tiêu chí. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của huyện tích cực tham gia hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới; thực hiện hiệu quả công tác giám sát các nội dung xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Theo Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy, Nguyễn Văn Hải được biết: Nhân dân trong huyện nhận thức đúng, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, thấy rõ nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Quá trình thực hiện từ xây dựng đề án, quy hoạch đều có sự đóng góp ý kiến của Nhân dân, vai trò giám sát của Nhân dân được đề cao, kết quả thực hiện đã nhận được sự hài lòng, nhất trí, ủng hộ của Nhân dân. Nhiều nội dung công việc được người dân chủ động, tích cực tham gia thực hiện. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được triển khai thực hiện đồng bộ, chủ động và quyết tâm, quyết liệt. Các nghị quyết của HĐND ban hành địa phương đã tổ chức triển khai kịp thời.
Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư, từng bước hiện đại đảm bảo phục vụ tốt hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2022 đạt 72,43 triệu đồng. Số tiêu chí xã nông thôn mới bình quân hết tháng 5/2023 đạt 17 tiêu chí/xã. Số tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao bình quân hết tháng 5/2023 đạt 10 tiêu chí/xã.
Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được thì vẫn còn những khó khăn, hạn chế, tồn tại đan xen nhau như: Thực hiện Nghị quyết 182/2022/NQ-HĐND ngày 20/10/2022 của HĐND tỉnh Hòa Bình Quy định nội dung, mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để thực hiện một số công trình, dự án xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết quy định tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thấp, hỗ trợ ngoài ngân sách lớn, huy động quá sức dân.
Các văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, điều chỉnh, thay đổi dẫn đến khó khăn cho cơ sở thực hiện (Ví dụ như Nghị định 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đến ngày 24/6/2023 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 27/2022/NĐ-CP; Bộ Tài chính ban hành Thông Tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 Quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 thay thế các Thông tư 15/2022/TT-BTC; 46/2022/TT-BTC; 53/2022/TT-BTC…).
Chương trình xây dựng nôngthôn mới là một chương trình tổng thể, ban đầu hệ thống văn bản hướng dẫn chỉ đạo thực hiện của các Bộ, ngành chưa thực sự thống nhất, phải điều chỉnh nhiều lần, quá trình thực hiện tại địa phương vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bộ Tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 yêu cầu cao hơn nên các xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2016-2020, khi so sánh với bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 chưa có xã nào đạt chuẩn.
Một số hạn chế trong xây dựng nông thôn mới như: Một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân còn trông trờ, ỷ nại vào đầu tư của Nhà nước, chưa xác định được vai trò xây dựng nông thôn mới người dân là chủ thể. Thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua “Lạc Thủy chung sức xây dựng nông thôn mới”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở một số nơi còn hạn chế; ý thức trong xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp ở một bộ phận người dân chưa cao. Huy động nguồn vốn ngoài ngân sách còn rất khó khăn và hạn chế. Nguyên nhân do nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước còn rất hạn chế. So với Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 có nhiều chỉ tiêu, tiêu chí đòi hỏi cao hơn. Sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền một số xã, một số đơn vị, đoàn thể chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới... Công tác tuyên truyền, vận động người dân chưa được thường xuyên, liên tục, nội dung tuyên truyền còn hạn chế. Cán bộ thực hiện chương trình đều kiêm nhiệm, thường xuyên có sự luân chuyển công tác nên khó khăn trong quá trình thực hiện. Nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho xây dựng nông thôn mới còn hạn chế; các văn bản hướng dẫn của cấp trên trong tổ chức thực hiện Chương trình thiếu đồng bộ.
Thời gian qua, huyện Lạc Thủy đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, phát huy vai trò điều hành của chính quyền và sự tham mưu tích cực, phối hợp chặt chẽ các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội, các doanh nghiệp... Nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP huyện Lạc Thủy.
Đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình, huy động lồng ghép các nguồn lực đầu tư toàn xã hội, lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án, phát huy nội lực trong Nhân dân; huy động nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn, các khoản đóng góp tự nguyên của Nhân dân để hoàn thiện các Bộ tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới. Triển khai có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tiếp tục thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác đào tạo nghề, nâng cao năng lực hoạt động của Hợp tác xã, xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Xây dựng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, tạo điều kiện để người dân nông thôn tham gia xây dựng đời sống văn hóa, thể thao. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho người dân nông thôn; xây dựng các công trình bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn xã, thôn theo quy hoạch; thu gom và xử lý chất thải, nước thải theo quy định; cải tạo nghĩa trang; xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; cải thiện và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân. Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn. Đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự xã hội địa bàn nông thôn; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân.
UBND các xã đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình nông thôn mới, giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% nguồn vốn giao năm 2021, năm 2022, năm 2023; huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là nguồn đối ứng ngoài ngân sách thực hiện các công trình đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra.
Theo ông Nguyễn Đăng Quan, Bí thư Chi bộ thôn Rộc Trụ 2 cho biết: Thôn có 114 hộ với trên 500 nhân khẩu, trong đó có trên 80% đồng bào Công giáo. Năm 2023, thôn phấn đấu đạt khu dân cư kiểu mẫu. Chi ủy tiến hành rà soát các tiêu chí để đánh giá thực trạng, đề ra giải pháp, cách làm phù hợp. Việc đầu tiên là xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, nâng cấp các tuyến đường ngõ xóm đảm bảo tiêu chí nông thôn mới nâng cao; tuyên truyền, vận động giáo dân hiến đất, đóng góp công sức, tiền của mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng đường hoa, lắp đặt đường điện chiếu sáng. Tiêu biểu như gia đình bà Bùi Thị Lan hiến trên 100m2 đất thổ cư, dịch tường rào mở rộng đường xóm; 23 hộ đóng góp 28 triệu đồng lắp đường điện chiếu sáng. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng, thôn còn 23 hộ nghèo./.