DetailController

Tin từ các đơn vị

Lạc Thủy: Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại

17/02/2022 00:00
Thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU của BTV Tỉnh ủy về “Phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025", UBND huyện Lạc Thủy đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án. Trong đó đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế của mỗi tiểu vùng để tiếp tục phát triển các vùng chuyên canh tập trung.
Huyện Lạc Thủy phấn đấu phát triển nông nghiệp hiện đại, tập trung vào các sản phẩm chủ lực thế mạnh của địa phương

Huyện chủ trương đẩy mạnh hoạt động sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP. Khai thác lợi thế của địa phương để đưa nhóm nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP của huyện xâm nhập mạnh vào thị trường vùng Thủ đô Hà Nội, các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, sắp xếp, ổn định dân cư nông thôn, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Phấn đấu trong giai đoạn 2021 – 2025, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm đạt 6,5-7,0%. Giá trị sản xuất trung bình trên đơn vị diện tích đất trồng trọt đạt 220 triệu đồng/ha, thủy sản đạt 250 triệu đồng/ha. Xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của huyện: Có trên 05 sản phẩm OCOP được chuẩn hóa hoặc nâng hạng. Giữ ổn định diện tích trồng rừng đạt 850 ha/năm, trong đó tập trung trồng rừng thâm canh, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, tỷ lệ trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn chiếm 40% diện tích rừng sản xuất; tập trung vào trồng rừng thâm canh tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ; tỷ lệ che phủ rừng duy trì 46,7%.

Cùng với đó triển khai thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu đến năm 2025, lượng nông sản, hàng hóa qua sơ chế, chế biến trên địa bàn huyện đạt trên 30%, tập trung chủ yếu các sản phẩm: Chè Sông Bôi, Gà Lạc Thủy, rau công nghệ cao, lâm sản, lâm sản phụ...Sản phẩm nông, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt ít nhất 20% tổng sản lượng của nhóm nông, lâm sản chủ lực. Có ít nhất từ 02 nhóm sản phẩm trồng trọt đáp ứng được yêu cầu quy mô cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Tỷ lệ giá trị nông sản được sản xuất theo quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 25%. Có ít nhất 50% sản lượng của các sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP được tiêu thụ tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ, chợ đầu mối của Vùng Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh thành có sức tiêu thụ lớn.

Phấn đấu trong xây dựng nông thôn mới, có 100% số xã nâng cao chất lượng tiêu chí xã nông thôn mới; giữ vững và nâng cao chất lượng Huyện nông thôn mới; phấn đấu 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó phấn đấu có 02 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; 100% số xã triển khai xây dựng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có 15% số thôn được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu đạt chuẩn.

Để đạt được các chỉ tiêu phấn đấu trên, huyện chủ trương đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực, thay đổi tư duy, cách thức tổ chức sản xuất theo hướng tập trung vào các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của địa phương; áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ưu tiên thực hiện các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, phát triển dịch vụ, kinh doanh và chế biến nông sản, sử dụng nhiều lao động..../.