Tới nay, hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư khá đồng bộ, từng bước hiện đại đảm bảo phục vụ tốt hoạt động phát triển kinh tế xã hội và đời sống dân sinh. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện quý I năm 2024 đạt 83,6 triệu đồng. Số tiêu chí xã nông thôn mới bình quân quý I năm 2024 là 15,88 tiêu chí/xã, tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao 10,13 tiêu chí/xã.
Tuy nhiên, hiện nay, một số chỉ tiêu, tiêu chí còn thiếu bền vững, như tiêu chí Y tế (tới nay mới có 5/8 xã đạt tiêu chí về y tế), Môi trường và an toàn thực phẩm; đầu tư hạ tầng còn hạn chế.
Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung nguồn lực để xây dựng nông thôn mới là nhằm tạo ra địa bàn nông thôn huyện Lạc Thuỷ có cơ sở hạ tầng đồng bộ, sản xuất từng bước phát triển bền vững theo hướng kinh tế hàng hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy, xã hội nông thôn an ninh tốt, phát huy tính dân chủ cao trong xây dựng NTM.
Trong đó, duy trì các tiêu chí huyện nông thôn mới, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững. Phấn đấu mỗi xã đạt chuẩn thêm từ 1-3 tiêu chí xã nông thôn mới, số tiêu chí trung bình mỗi xã đạt được từ 17,75 tiêu chí/xã trở lên; Số tiêu chí nông thôn mới nâng cao trung bình đạt 11,75 tiêu chí/xã. Chuẩn hóa từ 03 sản phẩm OCOP cấp tỉnh trở lên. Tiếp tục hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: Giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế...Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân.
Do đó, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP huyện Lạc Thủy. Đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình, huy động lồng ghép các nguồn lực đầu tư toàn xã hội, lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án, phát huy nội lực trong nhân dân; huy động nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn đầu tư từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn, các khoản đóng góp tự nguyên của nhân dân để hoàn thiện các bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. Triển khai có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tiếp tục thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác đào tạo nghề, nâng cao năng lực hoạt động của HTX, xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Huy động nguồn lực nhằm xây dựng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân. Tuyên truyền để người dân chủ động cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống. Xây dựng các công trình bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn xã, thôn theo quy hoạch; thu gom và xử lý chất thải, nước thải theo quy định; cải tạo nghĩa trang; xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới; cải thiện và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân. Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn./.