Trong giai đoạn 2021 – 2024, tổng nguồn vốn Ngân sách Trung ương phân bổ để thực hiện Chương trình là trên 11,4 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 593 triệu đồng. Trong giai đoạn này, huyện được giao thực hiện 05 dự án gồm: Dự án 2 đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án 3 hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Dự án 4 phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Dự án 6 truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án 7 nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình. Trong đó, huyện đã triển khai thực hiện 06 Dự án Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nuôi Bò sinh sản tại các đơn vị là xã Hưng Thi, Phú Thành và thị trấn Ba Hàng Đồi với 181 hộ tham gia (143 hộ nghèo, 38 hộ cận nghèo) thực hiện hỗ trợ 181 con bò cái sinh sản; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nuôi Bò sinh sản; tổ chức 06 phiên giao dịch việc làm cho 10 xã, thị trấn (02 xã, thị trấn ghép/phiên), với 1.850 người tham gia, thực hiện thông tin, tuyên truyền nhằm phổ biến thông tin thị trường lao động và thu hút người lao động, người sử dụng lao động tham gia các hoạt động giao dịch việc làm. Thực hiện tuyên truyền về chủ trương giảm nghèo, Chương trình giảm nghèo bền vững…
Tính tới cuối năm 2023, toàn huyện còn 1.303 hộ nghèo, chiếm 7,45% dân số; 1.478 hộ cận nghèo, chiềm 8,45% dân số. Số hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình: 2.888 hộ, tỷ lệ: 16,51 % (vượt chỉ tiêu UBND huyện giao tại Quyết định số 3212/QĐ-UBND ngày 22/12/2022: 0,36%; Giảm so với năm trước 2,55%). Chỉ tiêu thực hiện đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3% (tương ứng giảm tỷ lệ 2,5-3%/năm).
Những kết quả trên cho thấy, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân. Tuy nhiên khó khăn hiện nay, số hộ nghèo, cận nghèo đa số là hộ có đối tượng bảo trợ, khó có khả năng thoát nghèo, cuộc sống phân nào phụ thuộc vào trợ giúp của xã hội. Người lao động thuộc hộ nghèo tham gia học nghề còn ít so với chính sách khuyến khích của Nhà nước đầu tư... do đó mô hình giảm nghèo hiệu quả chưa cao. Việc áp dụng triển khai các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo hình thức chuỗi giá trị và đề xuất từ cộng đồng khó thực hiện. Việc triển khai xây dựng các đề án, mô hình sản xuất, đa dạng hóa sinh kế gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án còn hạn chế.
Để công tác giảm nghèo tiếp tục đạt hiệu quả, thời gian tới huyện Lạc Thủy quyết tâm tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin). Đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện điều kiện sống của người nghèo, gắn các mục tiêu giảm nghèo với tiêu chí xây dựng nông thôn mới; các chính sách an sinh xã hội và chương trình đào tạo nghề cho người lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế theo hướng giảm nghèo bền vững./.