DetailController

Tin từ các đơn vị

Lạc Sơn: Chuyển biến tích cực từ việc thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược

16/07/2020 00:00
Nhiệm kỳ 2015 – 2020, huyện Lạc Sơn đã tập trung thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược, tạo bước chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Huyện tập trung đầu tư cơ sở vật chất trường học khang trang, phục vụ tốt cho công tác giáo dục và đào tạo nhân lực(ảnh: trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS và THPT Ngọc Sơn)

Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Huyện đã tập trung chuyển đổi sang trồng một số loại cây thế mạnh như cây có múi, cây dổi, chuyển diện tích đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; chú trọng phát triển chăn nuôi tập trung, nhân rộng các mô hình gia trại, trang trại. Đảng bộ đã chỉ đạo cụ thể hóa bằng việc xây dựng đề án chi tiết từng nhóm, tập trung các giải pháp cụ thể Đề án "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và cải tạo vườn tạp", tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện chủ trương phát triển cây có múi và một số loại cây nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao; tổ chức lại sản xuất, phát triển cây trồng, vật nuôi đáp ứng theo nhu cầu thị trường, theo quy hoạch vùng sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả cao. Sản lượng lương thực hằng năm tăng ổn định, bình quân đạt trên 67 nghìn tấn. Toàn huyện đã cải tạo được trên 1.000 ha vườn tạp, chuyển sang trồng cây cam, bưởi, quýt và cây dổi; chuyển đổi 1.060 ha đất trồng các loại cây có giá trị kinh tế thấp sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao như: mía, bí lấy hạt, mướp đắng, dưa hấu, bí xanh, ớt...; tổng diện tích cây có múi hiện nay là 776,76 ha, tăng 502,76 ha so với đầu nhiệm kỳ. Trong đó xuất hiện một số hợp tác xã, trang trại và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi như: Hợp tác xã chăn nuôi gà xã Hương Nhượng, Hợp tác xã chăn nuôi và cung ứng gà xã Chí Thiện, Hợp tác xã cung ứng thực phẩm sạch xã Yên Phú chăn nuôi gà, Công ty T&T 159 nuôi bò tại xã Tân Mỹ và nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, gà đang phát triển... Đã góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho Nhân dân. Nhờ đó, tiếp sức cho chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020 có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 30,43% đạt chỉ tiêu Nghị quyết.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực đạt được kết quả khá tích cực. Chất lượng giáo dục được nâng lên, hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3 và kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2. Tỷ lệ kiên cố hóa trường học đạt 80%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo và dạy nghề đạt 38%. Đến nay, tỷ lệ cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn có trình độ chuyên môn trung cấp 38/135 = 28,1%, cao đẳng 24/135 = 17,8%, đại học 69/135= 51,1%, trên đại học 4/135 = 3,0%; trình độ lý luận chính trị sơ cấp 1/135 = 0,7%, trung cấp 130/135 = 96,3%, cao cấp 04/135 = 3,0%; cán bộ lãnh đạo, quản lý các phòng, ban của huyện (và tương đương) trình độ chuyên môn đại học 54 đồng chí chiếm 77%, trên đại học 14 đồng chí chiếm 20%; trình độ lý luận chính trị trung cấp 27,1%, cao cấp 51 đồng chí chiếm 72,9%; bình quân có 3,1 bác sĩ/vạn dân; 55,17% trạm y tế có bác sĩ. Từ đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoạt động công vụ ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Trong 5 năm qua, huyện đã khéo léo lồng ghép các nguồn vốn, chương trình, dự án để xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm phục vụ đắc lực cho phát triển KT-XH. Tổng giá trị xây dựng trên địa bàn huyện trong 05 năm (2016 - 2020) đạt trên 3.000 tỷ đồng bao gồm các nguồn vốn: vốn Trung ương hỗ trợ, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách tỉnh, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, vốn cấp bù thủy lợi phí, hỗ trợ đất trồng lúa, nguồn vốn ngân sách huyện... Các nguồn vốn được đầu tư tập trung chủ yếu vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cấp, cải tạo kênh, mương, hồ, đập và đường giao thông liên xã, liên thôn... Bộ mặt nông thôn, đô thị có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Bên cạnh đó, để huy động tối đa nguồn lực, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, huyện đã ban hành 5 Đề án: Đề án "Phát triển kết cấu hạ tầng"; Đề án "Thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ"; Đề án "Phát triển đô thị"; Đề án "Phát triển du lịch" và Đề án "Đẩy mạnh cải cách hành chính". Tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại - dịch vụ, tạo điều kiện đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, dịch vụ; trong 5 năm đã đầu tư xây dựng mới 04 chợ, đến nay toàn huyện có 14 xã có chợ, góp phần đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ nông thôn, mở rộng mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn... Dịch vụ vận tải tiếp tục phát triển mạnh, đã kết nối với nhiều tỉnh, thành phố trong nước, phục vụ tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của Nhân dân; doanh thu bình quân từ hoạt động giao thông vận tải đạt trên 100 tỷ đồng/năm. Đến nay, toàn huyện có 98 doanh nghiệp, tăng 23 doanh nghiệp so với đầu nhiệm kỳ; có 28 hợp tác xã, trong đó 20 hợp tác xã nông nghiệp, 02 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, 02 hợp tác xã thương mại - dịch vụ; 5.216 hộ kinh doanh cá thể, tăng 1.762 hộ so với đầu nhiệm kỳ./.