Bà Nguyễn Thị Xuyên Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết, Kỳ Sơn là vùng động lực kinh tế của tỉnh, có 2 khu công nghiệp mới thành lập; trên 60 doanh nghiệp đã và đang hoạt động với nhiều ngành nghề khác nhau; có 10 đơn vị hành chính gồm 9 xã, 1 thị trấn với gần 33 nghìn người, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 60% tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 30,9%; qua đào tạo nghề còn thấp. Đặc biệt những năm trước đây do chưa có sự đầu tư nguồn lực và nhân lực của người dân còn hạn chế, việc đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu thị trường lao động còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ khi triển khai Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp việc triển khai công tác dạy nghề cho lao động ở nông thôn có nhiều thuận lợi, danh mục nghề đào tạo ngày càng đa dạng, phong phú; số lao động có nhu cầu học nghề ngày càng nhiều.
Qua ba năm, huyện đã mở được 31 lớp đào tạo nghề và đào tạo cho 966 lao động nông thôn với các nghề như nuôi cá nước ngọt, nuôi gà thả vườn, làm chổi chít, hàn điện... Đặc biệt, số lao động đi học nghề có việc góp phần không nhỏ đến việc xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển. Riêng năm 2012 huyện đã mở 3 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn do Trung tâm dạy nghề huyện thực hiện; phối hợp với UBND các xã thẩm định hồ sơ mở các lớp dạy nghề cho lao động tại các xã là 6 lớp. Số lao động sau khi học xong được giải quyết việc làm tại địa phương và tại doanh nghiệp chiếm 75 đến 80% (đặc biệt là các lớp làm chổi chít chiếm 90%).
Để đạt được kết quả này là do huyện đã thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức thực hiện nghiêm túc; công tác tuyên truyền được quan tâm thường xuyên dưới nhiều hình thức; điều tra lập sổ theo dõi cung cầu lao động hàng năm đến 85 trưởng thôn, xóm và cán bộ xã nhằm giúp cho cán bộ thôn, xóm nắm bắt và thống kê đầy đủ các thông tin về hộ gia đình, đồng thời cung cấp số liệu cụ thể về cung cầu lao động hàng năm; tổ chức triển khai kế hoạch điều tra nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, các ngành nghề chủ yếu như dịch vụ, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản, sản xuất chổi chít xuất khẩu...Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức thi điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn như mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ và bao tiêu sản phẩm do người lao động làm ra (chổi chít xuất khẩu)...Các mô hình dạy nghề theo nhu cầu của người lao động “cầm tay chỉ việc được thực hiện hiệu quả, phù hợp với người lao động ở khu vực nông thôn và của địa phương như nuôi ong mật, nuôi cá, chăn nuôi, trồng trọt...Đặc biệt một số lao động học nghề chẻ tăm hương và làm hương đã được Ban chỉ đạo huyện duyệt cho vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp để mua máy móc, xây dựng nhà xưởng sản xuất tăm hương xuất khẩu. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học xong đạt bình quân khoảng 75%, trong đó số lao động có việc làm tại địa phương chiếm 65%, số còn lại làm trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, huyện cũng hỗ trợ cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị phục vụ dạy học cũng như phòng học đối với cơ sở dạy nghề công lập cấp huyện. Việc xây dựng, phê duyệt chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề; chất lượng chương trình, giáo trình dạy nghề phù hợp về nội dung, thời gian đào tạo so với yêu cầu của nghề đào tạo, đối tượng người học và phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Hơn nữa, chất lượng đội ngũ giáo viên tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và năng lực sư phạm cũng được quan tâm nhằm nâng cao trình độ.
Nhằm góp phần bảo đảm cho đề án được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng, sử dụng nguồn kinh phí có hiệu quả, đặc biệt là việc thực hiện các chính sách đối với người lao động tham gia học nghề được kịp thời, nhằm động viên khích lệ người lao động. Ban chỉ đạo huyện chỉ đạo các ngành thành viên và trực tiếp là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo huyện lựa chọn cơ sở, doanh nghiệp, các đơn vị để ký hợp đồng dạy nghề bảo đảm theo quy định có hiệu quả. Đồng thời thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát kế hoạch dạy nghề của các cơ sở, doanh nghiệp và kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí chi cho các lớp dạy nghề trên địa bàn. Vì vậy trong thời gian qua nguồn kinh phí đã được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và thực hiện đảm bảo các quy định.
Tuy nhiên, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện cũng gặp những khó khăn do tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo còn thấp; số lao động trong độ tuổi muốn học nghề để chuyển đổi nghề còn nhiều nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn; mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn chưa có; chất lượng giảng dạy, giáo trình giảng dạy còn hạn chế, chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy nghề; nhận thức của một số bộ phận người lao động về dạy nghề, chuyển nghề hiện nay còn hạn chế. Một số ngành, đoàn thể ở cơ sở chưa thấy rõ được vai trò trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là các vùng bị thu hồi đất...
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong thời gian tới huyện Kỳ Sơn sẽ điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn các xã, thị trấn nhằm đánh giá nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch mở lớp; phối hợp với các ban ngành chức năng, đoàn thể, tung tâm dạy nghề, cơ sở sản xuất trên địa bàn có đủ điều kiện thuận lợi để giúp người lao động được học nghề với điều kiện tốt nhất khi học xong có việc làm tạo thêm thu nhập cho gia đình. Từ đó góp phần hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phấn đấu hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo; phát triển, mở rộng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn...