Theo thống kê, tính từ năm 2003 đến tháng 10/2014, huyện Lạc Sơn có 24 dự án, công trình triển khai có liên quan đến công tác đền bù, GPMB. Trong đó, có 11 dự án, công trình đã hoàn thành xong công tác bồi thường, hỗ trợ; 13 dự án, công trình đang triển khai thực hiện. Đồng chí Bùi Văn Nỏm, Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn nhấn mạnh: Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU, ngày 20/5/2003 của BTV Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đền bù, GPMB đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên quan điểm đảm bảo dân chủ, công khai, đúng chính sách pháp luật. Trong đó, chú trọng tới việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội bị ảnh hưởng bởi dự án gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước để quần chúng nhân dân noi theo. Nhờ vậy, đã từng bước tháo gỡ khó khăn, thực hiện có hiệu quả các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định.
Nhờ việc chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động từ huyện đến cơ sở để làm cho người dân địa phương, nhất là những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ các dự án hiểu, nắm rõ các chủ trương, phổ biến chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; kịp thời thiết lập hồ sơ kiểm đếm, thông báo công khai để từng hộ dân nắm được đã không để nảy sinh các vướng mắc. Cho dù có nhiều công trình, dự án trong quá trình triển khai chưa bố trí kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB do giãn, hoãn tiến độ hoặc việc bố trí kinh phí đền bù thực hiện chậm. Đồng chí Bùi Văn Nỏm, cho biết thêm: Chính nhờ việc tuyên truyền, vận động sâu rộng, người dân nắm được các chủ trương, chính sách nên đã tạo điều kiện tốt nhất, thậm chí có nhiều nơi còn vận động nhân dân ứng trước mặt bằng cho đơn vị thi công để tiến hành thi công đúng tiến độ; còn với những công trình, dự án chưa được cấp kinh phí, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của huyện, chủ đầu tư và UBND các xã, thị trấn cũng đã tiến hành lập biên bản kiểm kê khối lượng đất đai, tài sản bị ảnh hưởng tại thực địa. Biên bản, hồ sơ kiểm đếm được giao cho hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp giữ 1 bộ để theo dõi, kiểm tra quá trình GPMB của đơn vị thi công và đối chiếu phương án bồi thường, hỗ trợ sau này. Chủ trương trên đã được các hộ dân đồng tỉnh ủng hộ, nhất trí tháo dỡ tài sản, giao mặt bằng để thi công công trình đảm bảo kế hoạch. Ví như khi thực hiện dự án xây dựng đường điện 500kv tuyến Sơn La - Ninh Bình đi qua huyện có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất. Nhưng do vận động tốt người dân luôn tạo điều kiện hỗ trợ đơn vị thi công. Tương tự như vậy, đối với việc triển khai thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng tuyến đường 12B đoạn qua huyện Lạc Sơn, việc GPMB cho đơn vị thi công cũng không phải là việc đơn giản nếu như không có sự chỉ đạo sát sao, công khai, minh bạch và tuyên truyền cho người dân hiểu được quyền, lợi ích và trách nhiệm công dân đối với việc tham gia vào xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội. Dù cho trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án cũng vẫn còn không ít vướng mắc nhưng đã được tháo gỡ, xử lý một cách triệt để. Điển hình như khi triển khai thực hiện dự án qua xã Thượng Cốc có nhiều hộ dân cho rằng mức đền bù chưa thỏa đáng, gây cản trở thi công, nhất là đối với những diện tích đã được cấp giấy CNQSDĐ. Tuy nhiên, khi được tuyên truyền, vận động người dân hiểu và tự nguyện chấp hành, không phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế. Bên cạnh đó, từ năm 2003 đến nay trên địa bàn huyện Lạc Sơn cũng có nhiều dự án đầu tư các công trình điện, đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi... không có hỗ trợ, đền bù GPMB nhưng do huyện đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nên đã có nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, hiến tài sản để làm đường, xây dựng các công trình hạ tầng xã hội.
Theo đồng chí Bùi Văn Nỏm, Bí thư Huyện ủy thì bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện công tác đền bù, GPMB để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ở Lạc Sơn những năm qua đó chính là sự vào cuộc một cách đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, phổ biến các chế độ chính sách của Nhà nước, đảm bảo minh bạch trong thu hồi đất. Việc thu hồi đất phải được thực hiện trên tinh thần dân chủ, công khai giữa hộ dân, chính quyền và Hội đồng đền bù, GPMB. Trong quá trình kiểm đếm, đền bù, cấp ủy, chính quyền phải lắng nghe tiếng nói từ phía người dân để nơi nào có vướng mắc thì sẽ kịp thời giải quyết thông qua đối thoại để bàn bạc, thống nhất giải quyết những vướng mắc nảy sinh, tạo sự đồng thuận cao thống nhất cao trong các tầng lớp nhân dân.
Từ quan điểm trên, nên những vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn huyện đều được tháo gỡ một cách triệt để. Như ở 11 công trình, dự án đã thực hiện xong công tác bồi thường, GPMB trên địa bàn huyện với tổng diện tích đất phải thu hồi hàng trăm ha với 1.017 hộ dân bị ảnh hưởng đều không có vướng mắc, khiếu kiện cho dù có những dự án ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân như dự án cải tạo nâng cấp đường 436 từ ngã ba Xưa - Kim Bôi. Đối với 13 công trình, dự án đang thực hiện công tác bồi thường, GPMB thì công tác kiểm đếm, bồi thường, GPMB cũng đang được diễn ra một cách thuận lợi. Các vướng mắc nảy sinh đều được cấp ủy, chính quyền và người dân tập trung giải quyết một cách hiệu quả thông qua đối thoại.