DetailController

Chính trị

Kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 tại Sở Công Thương

17/05/2023 17:01
Ngày 17/5, Đoàn kiểm tra do đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân làm trưởng đoàn đã kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 tại Sở Công Thương. Cùng tham gia đoàn có lãnh đạo các ngành là thành viên Đoàn kiểm tra, tổ giúp việc đoàn kiểm tra.

Giai đoạn 2020-2023, là 3 năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đề ra. Sở Công Thương Hòa Bình được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp, các ngành đã tạo điều kiện tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành được giao. Sở đã kịp thời triển khai và xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết tỉnh Đảng bộ tỉnh. Chủ động bám sát các chủ trương, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Công Thương; tham mưu xây dựng cơ chế chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực công thương. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu được UBND tỉnh giao. Tiến độ triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo theo kế hoạch.

Tăng trưởng công nghiệp giữ được tăng trưởng dương (trên 6%). Các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn đã đóng góp lớn cho sản xuất, xuất khẩu, đầu tư và việc làm như: Dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử; chế biến, chế tạo thủy điện; sản xuất xi măng. Xuất nhập khẩu với quy mô ngày càng gia tăng, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt mức cao (gần 18%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát, tăng bình quân từ 3-4%/năm thấp hơn mức tăng của cả nước. Hệ thống hạ tầng thương mại phát triển nhanh với việc chuyển dịch mạnh mẽ từ hệ thống thương mại truyền thống (chợ) sang hệ thống hạ tầng hiện đại (siêu thị và trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích...).

Tuy nhiên, trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng có nội dung còn chưa đảm bảo về mặt thời gian. Việc cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch trong tổ chức thực hiện có nội dung còn chậm so với yêu cầu. Mức tăng trưởng của tỉnh nói chung và của ngành công nghiệp nói riêng còn phụ thuộc lớn vào ngành sản xuất và phân phối điện, đặc biệt là tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty thủy điện Hòa Bình. Ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; công nghiệp thông minh chưa có. Phát triển thương mại, công nghiệp chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Sản xuất công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ngành khai khoáng có mức giảm cao. Hạ tầng cụm công nghiệp còn hạn chế dẫn đến việc thu hút các dự án vào hoạt động sản xuất trong cụm còn chậm. Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, trong thời gian qua mới chỉ tập trung phát triển chủ yếu ở khu vực thành thị, chưa quan tâm và đầu tư đúng mức tại khu vực nông thôn, đặc biệt là miền núi…

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đánh giá, làm rõ những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân chủ quan, khách quan của những yếu kém đồng thời định hướng những giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát biểu kết luận, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả ngành Công Thương đã đạt được trong giai đoạn 2020-2023. Đảng bộ và Ban lãnh đạo Sở đã đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tham mưu trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện các chương trình, đề án trọng tâm liên quan đến lĩnh vực ngành phụ trách. Nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Đảng bộ, Ban Lãnh đạo, tập thể Sở Công Thương tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, bám sát các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ Đảng viên; quan tâm đến công tác đảng viên; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ 4 đột phá chiến lược; tiếp tục cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.  Tham mưu và thực hiện có hiệu quả các giải pháp xây dựng hệ thống điện, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thương mại. Trong công tác cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư; tham mưu kiến nghị với trung ương tháo gỡ khó khăn cho địa phương, cho chính sách hỗ trợ nguồn lực triển khai các chương trình, dự án; kiến nghị điều chỉnh các chỉ tiêu cho phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương…/.