DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Khuyến khích phát triển sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ

23/01/2024 16:00
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, mỗi năm tỉnh Hòa Bình có khoảng 2 triệu tấn chất thải hữu cơ từ sản xuất chăn nuôi; trồng trọt; thủy sản, công nghiệp chế biến, rác thải sinh hoạt và chất hữu cơ tự nhiên có thể khai thác để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ. Tổng lượng phân hữu cơ được sản xuất từ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 65 nghìn tấn/năm. Bên cạnh các loại phân bón hữu cơ được sản xuất trong tỉnh còn có một số lượng phân bón nhập khẩu (phân hữu cơ, hữu cơ sinh học...) phân bón của các doanh nghiệp hữu cơ ngoài tỉnh khoảng 100 nghìn tấn.

Theo số liệu thống kê năm 2023, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của tỉnh đạt 117 nghìn ha. Trong những năm gần đây, cùng với đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, đã hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa các cây trồng chủ lực tập trung, có mức độ thâm canh và cho năng suất, sản lượng lớn. Chính vì vậy, mức độ sử dụng phân bón cũng tăng cao, nhất là đối với cây ăn quả, cây mía, cây rau họ bầu bí. Lượng phân bón hữu cơ sử dụng cho một số cây trồng chủ lực của tỉnh đạt khoảng 1.300 nghìn tấn/năm. Trong đó cây lúa sử dụng phân bón hữu cơ (đa số sử dụng phân chuồng hoai mục) đạt 650 nghìn tấn/năm, cây mía và cây ăn quả sử dụng gần 300 nghìn tấn/năm, số còn lại dùng cho các loại cây trồng khác như: rau đậu các loại, ngô, chè...

Trên toàn tỉnh mới có khoảng 865 nghìn tấn lượng phân bón hữu cơ sản xuất từ các nhà máy, các cơ sở doanh nghiệp, Hợp tác xã và hộ gia đình được sử dụng vào canh tác trồng trọt; còn lại khoảng 400-500 nghìn tấn đã được sử dụng nhưng chưa được xử lý triệt để. Như vậy có thể thấy nguồn nguyên liệu hữu cơ bổ sung cho đất và sản xuất phân hữu cơ phong phú và sẵn có tại địa phương, phương thức và công nghệ sản xuất các loại phân hữu cơ không phức tạp, dễ làm đối với đông đảo nông dân. Do đó, cần có hình thức tuyên truyền thích hợp để nhà nông hiểu rõ mối nguy hại từ lạm dụng phân bón hóa học, từ đó dần thay đổi thói quen canh tác và tận dụng các phụ phẩm sẵn có để sản xuất phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ.

Nhận thức rõ điều đó, ngành Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu: Khai thác tiềm năng, lợi thế nguyên liệu hữu cơ sẵn có để sản xuất phân bón hữu cơ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Cân đối dinh dưỡng vô cơ - hữu cơ để duy trì và nâng cao sức khỏe đất phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2023: Công suất sản xuất phân bón hữu cơ của các cơ sở sản xuất đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh đạt 100 nghìn tấn/năm. Lượng phân bón hữu cơ công nghiệp sử dụng chiếm tối thiểu 30% so với tổng lượng phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.Tổng lượng chất thải hữu cơ và các phế phụ phẩm trong nông nghiệp được xử lý thành phân bón hữu cơ đạt 1 triệu tấn/năm, trong đó sản xuất theo quy mô nông hộ đạt 500 nghìn tấn/năm. 100% các huyện, thành phố xây dựng được các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả gắn với chuỗi giá trị trên các cây trồng chủ lực, lợi thế của tỉnh (lúa, cây ăn quả có múi, rau đậu các loại, chè, mía, sắn, cây dược liệu...). 100% các huyện, thành phố có cán bộ kỹ thuật được tập huấn và tổ chức tập huấn cho các cơ sở buôn bán, người sử dụng về sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm và hiệu quả. Tầm nhìn đến năm 2050: Trên 90% nguồn nguyên liệu sẵn có từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, rác thải sinh hoạt,… được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ trong cả quy mô nông hộ và sản xuất công nghiệp.

Trong đó, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phân bón. Rà soát, đề xuất xây dựng các chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ quy mô nông hộ trên cơ sở tận dụng các nguồn phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, rác thải sinh hoạt. Khuyến khích sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ chất lượng cao, phân bón hữu cơ chứa các loại vi sinh vật có ích, tiện ích cho người sử dụng, ổn định độ phì đất, nâng cao năng suất hiệu quả kinh tế. Khuyến khích các doanh nghiệp cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trên địa bàn, áp dụng quy trình, công nghệ sản xuất tiên tiến. Khuyến khích đầu tư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm phân bón hữu cơ có chất lượng cao với nhiều chủng loại vi sinh vật có ích, tác động nhanh, dễ sử dụng, phù hợp với tập quán canh tác của địa phương.

Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền thông qua hội nghị, hội thảo, phương tiện truyền thông, các tài liệu hướng dẫn về vai trò, tác dụng của phân bón hữu cơ để nâng cao nhận thức của người dân, chủ cơ sở buôn bán, doanh nghiệp sản xuất và cán bộ quản lý địa phương. Tăng cường công tác khuyến nông, trong đó chú trọng đến phân bón hữu cơ có hiệu quả sử dụng cao, hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, vi sinh vật sử dụng trong sản xuất phân bón hữu cơ. Hỗ trợ, khuyến khích đầu tư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm phân bón hữu cơ có chất lượng cao, phân bón hữu cơ chứa các loại vi sinh vật có ích mới, tác động nhanh, gọn nhẹ, ổn định độ phì đất, dễ sử dụng, tận dụng nguyên liệu sẵn có trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ tiên tiến, thân thiện với môi trường, đặc biệt là công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ quy mô nông hộ. Ưu tiên áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đã được nghiệm thu ở các cấp vào thực tiễn. Nghiên cứu áp dụng công thức bón phối hợp vô cơ - hữu cơ hợp lý phù hợp với từng loại  đất, cây trồng, mùa vụ trên cơ sở đánh giá thực trạng phì nhiêu đất, nhu cầu dinh dưỡng cho các cây trồng, tình trạng thất thoát dinh dưỡng... để giảm giá thành, nâng cao giá trị nông sản. Triển khai các mô hình sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững. Đánh giá, bổ sung, hoàn thiện các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ đã và đang thực hiện. Hỗ trợ quảng bá, triển khai nhân rộng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả, điển hình của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tự thực hiện. Xây dựng và nhân rộng các mô hình canh tác có sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả gắn với chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương. Xây dựng và triển khai các mô hình nông nghiệp tuần hoàn trong đó sử dụng triệt để các phế phụ phẩm của ngành hàng trước cho ngành hàng sau như các mô hình về trồng trọt - trồng trọt (luân canh, xen canh); trồng trọt - chăn nuôi hoặc thủy sản ...