DetailController

Tin từ các đơn vị

Khuyến khích hộ cá thể, doanh nghiệp tham gia hợp tác xã

21/12/2021 00:00
Năm 2020, toàn tỉnh có 418 hợp tác xã. Trong đó có 384 hợp tác xã hoạt động, 31 hợp tác xã ngừng hoạt động và 3 quỹ tín dụng Nhân dân. Các hợp tác xã đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết, tăng thu nhập cho cho lao động địa phương. Trung bình mỗi hợp tác xã có 15 thành viên, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động thường xuyên, 35 lao động thời vụ; thu nhập bình quân đạt 49,4 triệu đồng/lao động/năm.
Tỉnh ta phấn đấu đến năm 2025 có 560 hợp tác xã, 270 tổ hợp tác, 5 liên kết hợp tác xã với 22,3 nghìn hộ thành viên

Những năm gần đây, hợp tác xã trong tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hướng vào cung ứng dịch vụ nông, lâm, ngư nghiệp, vận tải,… mang lại lợi ích cho các thành viên hợp tác xã, cơ bản hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, từng bước xây dựng vùng sản xuất tập trung sản phẩm chủ lực và lợi thế của tỉnh, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống Nhân dân.

Tuy nhiên, đa phần các hợp tác xã trong tỉnh hoạt động quy mô nhỏ, liên kết với các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa phát huy vai trò nòng cốt phát triển kinh tế tập thể. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc quản lý hợp tác xã theo tư duy cũ dần không phù hợp. Đồng thời, do sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, số hợp tác xã ngừng hoạt động, hoạt động cần chừng còn nhiều.

Ngày 14/12/2021, Ban Thượng vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về khuyến khích hộ cá thể, doanh nghiệp tham gia hợp tác xã đến năm 2025. Trên quan điểm tăng quy mô thành viên, nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã gắn với tiêu thụ sản phẩm; đồng thời thu hút hộ cá thể, doanh nghiệp tham gia hợp tác xã là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, Nghị quyết nêu rõ mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 560 hợp tác xã, 270 tổ hợp tác, 5 liên kết hợp tác xã với 22,3 nghìn hộ thành viên tương ứng 12,5% số hộ trên địa bàn tỉnh; 20% số hợp tác xã có quy mô nhỏ, 2% số hợp tác xã quy mô vừa và lớn; 50% hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Để đạt được mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, gồm: Nâng cao nhận thức, thống nhất hành động của cán bộ, đảng viên, cấp ủy, chính quyền các cấp về phát triển kinh tế tập thể; thực hiện hiệu quả các chính sách hiện hành, nhất là các chính sách tiếp cận đất đai, tiếp cận tín dụng; rà soát, củng cố, sáp nhập, hợp nhất tổ hợp tác, hợp tác xã theo hướng hoạt động đa ngành nghề có quy mô và năng lực sản xuất lớn hơn; khuyến khích hộ cá nhân, doanh nghiệp tự nguyện tham gia thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã, thúc đẩy tổ chức kinh tế tập thể mở rộng quy mô thành viên; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng lực, phát huy vai trò nòng cốt phát triển kinh tế tập thể của Liên minh Hợp tác xã tỉnh.

Cùng với đó, Nghị quyết cũng nêu ra các giải pháp cụ thể. Trong đó tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền đối với phát triển kinh tế tập thể. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của hộ cá thể, doanh nghiệp, tổ hợp tác và hợp tác xã trong hợp tác, liên kết, tăng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể. Chủ động cân đối ngân sách Nhà nước, huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Khuyến khích hộ cá thể tham gia hợp tác để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Hình thành và hỗ trợ hoạt động của các câu lạc bộ, liên hiệp hợp tác xã ngành hàng, tạo diễn đàn trao đổi sản xuất và tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm chủ lực, lợi thế. Củng cố, bố trí vốn điều lệ Quỹ Hợp tác xã tỉnh theo quy định kịp thời cung ứng tín dụng ưu đãi cho thành viên và hợp tác xã, tổ hợp tác./.