DetailController

Kinh tế

Khuyến cáo không áp dụng biện pháp truyền dịch để chữa bệnh cho cây ăn quả có múi

26/08/2022 00:00
Thời gian gần đây, một số hộ dân trồng cam trên địa bàn huyện Cao Phong đã sử dụng một số loại thuốc kháng sinh chữa bệnh dành cho người, cho động vật như Tetracycline, Streptomycin, Penicillin G; các Vitamin B1, B6, B12; đường Gluco pha với nước thành dung dịch, đục lỗ và truyền trực tiếp vào thân cây cam với mong muốn chữa được hiện tượng vàng lá, tàn lụi cây. Tuy nhiên một số vườn cho thấy có cây đã khỏi bệnh vàng lá và hồi phục, cũng có vườn không hiệu quả rõ ràng, thậm chí tàn cây và chết nhanh sau khi truyền dịch.
Chủ động chăm sóc cây trồng bằng các biện pháp kỹ thuật đúng quy định nhằm đảm bảo chất lượng cây và quả

Để làm rõ về cơ sở khoa học và tính pháp lý của giải pháp này; ngày 13/7/2022 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình đã có Công văn số 1890/SNN-TTBVTV gửi tham vấn ý kiến Viện Bảo vệ thực vật. Ngày 25/7/2022 Viện Bảo vệ thực vật đã có công văn phúc đáp số 233/BVTV-KH&HTQT về việc ý kiến về giải pháp truyền dịch cho cây ăn quả có múi. Thực hiện Công văn số 2327/SNN-TTBVTV ngày 23/8/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình về việc tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo không áp dụng biện pháp truyền dịch để chữa bệnh cho cây ăn quả có múi. Để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm và bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm quả có múi của trên địa bàn huyện, Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong đã có Công văn số 1739, ngày 24/8/2022 gửi UBND các xã, thị trấn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Phòng NN&PTNT huyện yêu cầu nghiêm túc thực hiện tuyên truyền, khuyến cáo không áp dụng biện pháp truyền dịch để chữa bệnh cho cây ăn quả có múi trên địa bàn.

UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn tăng cường hướng dẫn, đôn đốc đến các cơ sở, các tổ chức, cá nhân trồng cây ăn quả có múi trên địa bàn thực hiện các biện pháp kỹ thuật đã nêu tại Công văn số 1957/SNN-TTBVTV ngày 25/9/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về việc ban hành quy trình phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại vùng rễ cây cam, quýt trên cơ sở ứng dụng chế phẩm sinh học; Công văn số 1956/SNN-TTBVTV ngày 25/9/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về việc ban hành quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) có ứng dụng chế phẩm sinh học đối với cây cam, quýt ở thời kỳ kinh doanh. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nội dung Công văn số 233/BVTV-KH&HTQT của Viện Bảo vệ thực vật. Khuyến cáo người sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc sử dụng phân bón, nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; không sử dụng các hóa chất, chất dinh dưỡng được chỉ định cho người, cho động vật để trừ bệnh hay cung cấp dinh dưỡng cho cây. Không chấp nhận bất cứ hình thức nào lợi dụng để quảng bá, thương mại các biện pháp này; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh buôn bán thuốc hay quảng bá và thực hiện các biện pháp này theo các quy định của pháp luật.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện hướng dẫn chuyện môn về hiện tượng vàng lá cam và biện pháp phòng chống; về tác hại của việc lạm dụng biện pháp truyền dịch chữa bệnh cho cây. Từ đó đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến người sản xuất biết, áp dụng.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất cây ăn quả có múi đã được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng nhận GAP; phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm và xử lý, kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật. Tăng cường nắm bắt địa bàn, đặc biệt chú ý việc các cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón có quảng bá, buôn bán các loại thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam; các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và xử lý nghiêm theo quy định./.