Với những truyền thuyết có pha trộn tính huyền thoại về thời kỳ xa xưa. Chẳng hạn thời Hồng Bàng, các vua Hùng và nhà nước Văn Lang cách ngày nay gần 3000 năm và những chứng tích về việc đúc trống đồng và cồng, chiêng bằng đồng. Với những trống đồng và cồng chiêng “Công cụ, dụng cụ, nhạc cụ” trống đồng Đông Sơn và những nhạc cụ bằng tre, cồng, chiêng bằng đồng. “Văn hóa Đông Sơn” kéo dài khoảng trên 2000 năm.
Như vậy, trống đồng Đông Sơn và cồng chiêng bằng đồng ra đời đã cách ngày nay khoảng trên dưới 3000 năm từ thời người Việt cổ (Việt - Mường) còn chung một gốc, nói chung một thứ tiếng đã chế tác, sáng tạo, sở hữu kho tàng trống đồng, cồng, chiêng và cùng với nó những thời gian sau là những bản nhạc, phương thức trình tấu, trình diễn âm nhạc trống đồng văn hóa âm nhạc cồng chiêng. Hiện nay, đầu thế kỷ XXI, ở tỉnh ta, nhân dân còn đang lưu giữ, sở hữu hàng trăm trống đồng và gần một vạn chiếc cồng, chiêng.
âm nhạc cồng chiêng, không gian văn hóa cồng chiêng (ANCC - KGVHCC) của dân tộc Mường hình thành, phát triển liên tục, bền vững với sự phát triển cả về số lượng các loại cồng, chiêng, tổ chức dàn chiêng, những bản nhạc chiêng xắc bùa, phương thức trình tấu, trình diễn ANCC - KGVHCC càng ngày càng được mở rộng. Đi sâu, bám rễ vào cuộc sống, trở thành một không gian rộng lớn, thiêng liêng đối với từng cá thể thành viên và cả cộng đồng dân tộc. ANCC - KGVHCC đã trở thành giá trị văn hóa, báu vật, tài sản đồ sộ, kiệt tác văn hóa truyền khẩu của dân tộc Mường và của đất nước.
Cồng, chiêng không chỉ là một nhạc cụ với phương thức trình tấu, trình diễn truyền thống đặc sắc không thể thiếu được trong đời mỗi người và cả cộng đồng dân tộc. ANCC - KGVHCC đã trở thành giá trị văn hóa, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian mang tính phổ biến toàn dân, được cả cộng đồng dân tộc quý trọng, tôn trọng bảo vệ giữ gìn và phát huy. Các tổ chức chính trị, hành chính, xã hội, tôn giáo trước đây mà đại diện là chế độ nhà lang và các thầy mo, bà mỡi, thầy cúng... cũng luôn quan tâm bảo vệ, giữ gìn và đề cao. Họ đã biến một phần quan trọng sức mạnh, giá trị văn hóa cồng chiêng thông qua những cuộc trình tấu, trình diễn âm nhạc cồng chiêng. Các lễ nghi, lễ thức, lễ, lễ hội tín ngưỡng tâm linh, lễ hội văn hóa dân gian thành giá trị, phương tiện tinh thần hữu hiệu củng cố quyền lực, sự giàu sang của chế độ nhà lang; sức mạnh thần quyền để bảo vệ đất đai, củng cố quyền lực của họ đối với xã hội.
Giá trị cồng, chiêng, ANCC còn là huyết thống của từng gia đình và cả cộng đồng dân tộc. Người Mường quan niệm và tin rằng, hàng ngày, khi con cháu có công việc cần trình kính với tổ tiên cha mẹ đã mất thì phải dùng (đánh) đúng những chiếc chiêng tổ tiên đã để lại cho mình, có như vậy, tổ tiên mới biết mà về với gia đình con cháu.
ở các dòng họ, gia đình của người Mường luôn luôn phải giữ gìn, tôn thờ những chiếc chiêng gia bảo của tổ tiên nhiều đời để lại. Người Mường cũng quan niệm những chiếc chiêng như vậy là những chiếc chiêng thiêng, chiêng thần, trong đó đã có huyết thống của dòng tộc, gia đình. Mỗi khi đánh lên tiếng chiêng trong nghi lễ, lễ thức, lễ hội tín ngưỡng tâm linh phải sử dụng những chiếc chiêng như vậy. Ngẫm rộng ra đối với cả dân tộc, việc bảo tồn, phát huy những chiếc cồng, chiêng, ANCC - KGVHCC chính là góp phần giữ gìn sự bền vững của chính bản thân của cộng đồng dân tộc.
Từ năm 1945, do phải tiến hành chiến tranh chống xâm lược khốc liệt và kéo dài để bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Mường cũng như nhân dân cả nước không có điều kiện tổ chức các sinh hoạt văn hóa. Từ khi đổi mới đất nước, các mặt KT-XH, lối sống phát triển quá nhanh, quan hệ giữa người với người, sự giao lưu, biến cải văn hóa trong bối cảnh toàn cầu đang ngày càng tăng nhanh, góp sức vào sự phát triển và tăng nhanh vị thế đất nước, nhưng sự tiếp thu có một số mặt chưa được chọn lọc đã góp phần tạo nên hẫng hụt, sự suy thoái văn hóa ANCC.
Thực hiện đường lối “xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” của Đảng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành những chủ trương, chính sách và đầu tư cho nhiệm vụ bảo tồn - phát huy - kế thừa - phát triển nền văn hóa dân tộc, trong đó, luôn nhấn mạnh đến giá trị, vị trí và tính cấp thiết bảo tồn - phát huy ANCC - KGVHCC nhằm củng cố sự trường tồn của dân tộc. Động viên toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, góp sức xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Vận dụng phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các cơ quan văn hóa đã huy động được sự đầu tư lớn của Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân thực hiện sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng ANCC - KGVHCC. Bảo tồn - phát huy được nhiều hình thức, nội dung các bản nhạc cồng chiêng; phục dựng lại được nhiều dàn chiêng xắc bùa, trình tấu trình diễn âm nhạc cổ truyền từ năm 2000 đến nay đã dàn dựng được trên 8 chương trình lớn, huy động hàng nghìn nghệ nhân và hàng nghìn chiếc chiêng trình tấu, trình diễn, tại trung tâm TPHB, phục vụ nhân dân, khách ở các tỉnh bạn và quốc tế nhân những ngày lễ lớn của tỉnh, đất nước. Cũng liên tục trình tấu, trình diễn ANCC hàng năm ở lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc) và ở nhiều địa phương khác.
Từ những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và từ hiện thực sinh động đã tạo nên niềm tin, phấn khởi trong nhân dân, mở ra triển vọng, bước đi mới cho vị trí, giá trị của nhiệm vụ bảo tồn, phát huy ANCC - KGVHCC của người Mường Hòa Bình.
KGVHCC thuộc dòng văn hóa dân gian do tập thể nhân dân sáng tác, trình diễn và trình tấu trong không gian đường làng, không gian lễ hội, trên đồng ruộng, núi rừng, trong làng xóm, đình, chùa, quảng trường, sân vận động lan tỏa trên một vùng rộng lớn.
Từ đầu thế kỷ XXI, số người trình tấu, trình diễn chiêng đã lên tới 500 người với 500 chiếc chiêng. ANCC được bảo tồn, phát huy, kế thừa, phát triển bền vững suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Với khả năng biểu hiện tư tưởng, tình cảm, ước mơ của con người KGVHCC có giá trị giáo dục tư tưởng, tình cảm, ước mơ, lý tưởng thẩm mỹ về cuộc sống đầm ấm, vui tươi, ấm no, hạnh phúc. Thỏa mãn những ước mơ về xã hội lành mạnh, hướng tới chân, thiện, mỹ và được vui chơi giải trí của mình.
Người Mường đã sở hữu và sử dụng kho tàng đồ sộ cồng, chiêng xưa và nay vô cùng quý giá. Đến cuối thế kỷ XIX, người Mường ở Hòa Bình còn giữ được trên một vạn chiếc chiêng. Theo số liệu thống kê của Sở VH-TT&DL, năm 2009, theo điều tra, khảo sát và thống kê năm 2011, toàn tỉnh hiện còn 9.918 chiếc chiêng các loại. Những chiếc chiêng có tuổi nhiều thế kỷ tiếng vang xa trong trẻo, trầm hùng, thấm sâu vào lòng người còn được tôn là chiêng “thiêng”, chiêng “thần”. Mỗi chiếc chiêng như vậy được định giá với 3 - 4 con trâu mộng. ở Tây Nguyên, giá mỗi chiếc chiêng còn cao hơn nhiều. Từ khi UNECSCO công nhận KGVHCC Tây Nguyên là kiệt tác văn hóa phi vật thể truyền khẩu của nhân loại, giá mỗi chiếc chiêng đã không ngừng nâng cao. Mỗi chiếc chiêng đổi lấy 10 - 30 con trâu hoặc 2 - 3 con voi. Đầu thế kỷ XXI, mỗi chiếc chiêng ở tỉnh ta được định giá từ 8 - 10 triệu đồng.
KGVHCC biểu hiện sự giàu sang, sức mạnh quyền uy của người sở hữu nó; là hiện thực, là trí tuệ ước mơ huyền thoại, là niềm tự hào, là một trong những biểu tượng, một giá trị văn hóa lớn nhất của nền văn hóa dân tộc Mường lan tỏa, bao trùm trên một không gian rộng lớn, một thời gian lịch sử lâu dài.
Không gian văn hóa cồng chiêng đã trở thành sức mạnh tiềm ẩn trong tâm hồn, tâm thức, là ngôn ngữ giao tiếp xã hội, giao tiếp với trời, đất, thần linh, ma quỷ, giao tiếp với tâm thức của mình được cả cộng đồng dân tộc yêu quý, trân trọng, giữ gìn, phát huy.
Những phương thức trình tấu, trình diễn hay, quyến rũ âm nhạc cồng chiêng đã trở thành giá trị văn hóa, vật báu, tài sản đồ sộ vô giá của người Mường. âm nhạc và dàn chiêng có vị trí và giá trị quan trọng góp phần tạo nên nền văn hóa Hòa Bình rực rỡ và nổi tiếng.