DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Khi những người lầm lỗi hướng thiện

25/03/2013 00:00

Chỉ một phút nóng nảy, thiếu suy nghĩ để vướng vào vòng lao lý. Khi nghe tòa tuyên án, họ nghĩ cuộc đời như đã chấm hết. Nhưng mãn hạn tù trở về địa phương được sự giúp đỡ của gia đình, chính quyền địa phương cộng với nỗ lực của bản thân họ đã trở thành người có ích cho xã hội. Cuộc đời lại thênh thang, rộng mở đối với những con người lầm lỗi một thời này.

Anh Nguyễn Xuân Cừ đang tuyên truyền, phổ biến pháp luật với người dân trong xóm Đồng Bưng

Một thời lầm lỗi

Như đã hẹn trước, anh Nguyễn Xuân Cừ xóm Đồng Bưng xã Nhuận Trạch huyện Lương Sơn (Hòa Bình) bỏ dở công việc bán quán ăn sáng, dẫn chúng tôi vào căn nhà được xây dựng khang trang mà hai vợ chồng anh làm từ đôi bàn tay trắng. Nhìn dáng vẻ thoăn thoắt, tác phong làm việc nhanh nhẹn, được bà con nhân dân trong tin yêu. Có lẽ nếu không được giới thiệu trước, chúng tôi cũng không ngờ anh công an viên Nguyễn Xuân Cừ đã từng ăn cơm tù ba năm khi ở tuổi 22. Anh chia sẻ, “nếu không được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và nhân dân tin yêu có lẽ giờ này tôi không biết cuộc sống mình như sẽ thế nào nữa! Cách đây 16 năm cũng chỉ vì nóng nảy, bồng bột trong giây lát mà bản thân trở thành kẻ tòng phạm cố ý gây thương tích, dẫn đến hậu quả chết người bị Tòa án Nhân dân tỉnh kết an năm năm tù giam. Sau khi vào trại giam tôi được quản giáo động viên, giúp đỡ an cần. Từ đó, tôi đã yên tâm cải tạo, cố gắng lao động và được giảm án 24 tháng tù giam”. Khi trở về địa phương, anh Cừ rất ái ngại, ít tiếp xúc, xa lánh với cả người thân. Nhận thấy kinh tế khó khăn, vợ dại, con thơ bà con nhân dân, chính quyền địa phương giúp đỡ vốn phát triển sản xuất nên dần dân kinh tế ổn định. Từ đó, anh đã sống hòa đồng với mọi người xung quanh hơn, tích cực tham gia vào công việc xã hội. Một thời gian sau anh được chính quyền và nhân dân tin tưởng bầu làm công an viên của xóm Đồng Bưng. Trong năm 2012, khi đang đi tuần tra, kiểm soát, anh Cừ đã trực tiếp vây bắt được hai đối tượng (một đối tượng tàng trữ, sử dụng chất ma túy và một đối tượng trộm xe máy). Ngoài ra, còn tham gia phối hợp công an huyện bắt các đối tượng có lệnh bắt khẩn cấp và bắt hai đối tượng cưỡng chế hành chính.

Cũng cách đây gần 10 năm anh Nguyễn Minh Ngọc ở xóm Đồng Sầm khi tham gia vây bắt kẻ trộm chỉ thiếu suy nghĩ đã trở thành kẻ phạm tội cố ý gây thương tích dấn đến hậu quả chết người. Để rồi hơn một năm sau, anh bị Tòa án kết án ba năm tù nhưng cho hưởng án treo. Anh Ngọc cho biết, sau khi tòa tuyên án bản thân tôi hoàn toàn suy sụp. Từ một người bình thường như bao người khác, bỗng chốc trở thành người có tội, mất đi quyền công dân. Kết cục đó, tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Từ đó, tôi mặc cảm với chính bản thân mình là người có tội, người xấu, thấy ngại và xấu hổ khi tiếp xúc với bạn bè, hàng xóm. Và cuộc sống càng khó khăn hơn khi gia đình nghèo, hai vợ chồng và con nhỏ ở nhà tranh vách đất đi xin việc tại các công ty, xí nghiệp đều bị từ chối với lý do có tiền án, tiền sự. Nhưng sau hai năm dù chưa hết thời hạn án treo anh được chính quyền địa phương và nhân dân tin tưởng giới thiệu và bầu làm chi hội phó, rồi chi hội trưởng chi hội nông dân thôn Đồng Sầm, hiện nay là Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Nhuận Trạch. Lúc đó, tôi dân lấy lại sự tự tin vào bản thân mình và càng phấn khởi hơn khi được cấp ủy, chính quyền thôn, bà con nhân dân không còn xa lánh và còn tin tưởng giao cho làm những công việc của thôn xóm.

Trở thành người có ích cho xã hội

Xã Nhuận Trạch là địa phương giáp ranh với huyện Chương Mỹ (Hà Nội), vào những năm 1990 tệ nạn xã hội trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp. Nhưng với những nỗ lực của chính quyền địa phương và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng trừ tội phạm cũng như triển khai mô hình “phối hợp, quản lý, giáo dục giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng” nên các tệ nạn xã hội đã giảm rõ rệt. Đến nay, trong số 56 người trên địa bàn xã có quá khứ lầm lỗi, thì 48 người đã tái hòa nhập tốt với cộng đồng (chiếm 83%), có 24 người thực sự tiến bộ. Đặc biệt, trong số 24 người tiến bộ có 13 người tiêu biểu xuất sắc (bảy người làm kinh tế giỏi và sáu người tham gia các đoàn thể xã hội của xã, thôn và xóm).

Một lần vấp ngã, một lần đứng lên để làm lại cuộc đời. Giờ đây, tham gia công tác xã hội không phải vì lợi ích cá nhân, tiền bạc, với các anh đó là cơ hội để làm lại cuộc đời, sống có ích cho mọi người hơn cũng như bù đắp lại lỗi lầm mình gây ra trước đây. Câu chuyện với các anh tưởng trừng như chưa có hồi kết khi mặt trời đã lên gần đến ngọn tre. Anh Cừ xin lỗi chúng tôi và giúp vợ kết thúc việc bán quán ăn sáng. Mặc trên mình chiếc áo công an viên, anh lại bắt đầu công việc thường ngày. Tay cầm tờ tổng hợp tình hình an ninh trật từ trên địa bàn xóm trong một tuần qua, anh đi xuống tận nhà những gia đình để tuyên truyền cho bà con nhân dân cảnh giác với trộm cắp, các thủ đoạn lừa đảo mà người dân báo. Những công việc tưởng chừng như đơn giản của anh nhưng lại là vấn đề quan trọng đối với nhân dân phần nào giúp giữ gìn an ninh trật tự trong thôn. Sau khi được anh Cừ tuyên truyền về những thủ đoạn lừa đảo trong bán hàng xảy ra tuần qua trên địa bàn xóm, chị Hoàng Thị Hằng chủ quán bán hàng tạp hóa, thức ăn gia súc không dấu được niềm vui. Chị cho biết, cũng nhờ có những anh công an viên sát sao với dân như anh Cừ mà tình tình an ninh trật tự trên địa bàn xã nói chung và xóm Đồng Bưng chúng tôi nói riêng đã đi vào ổn định hơn. Ví như chuyện lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại các cửa hàng trong xóm, nếu không được anh tuyên truyền sớm biết đâu chính chúng tôi cũng sẽ bị lừa. Ngoài những việc như vậy, các anh còn tuyên truyền người dân nên quan tâm để mắt đến các con em mình tránh xa các tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc, chơi game…Là một người dân trong xóm, hoạt động năng nổ anh đã trở thành một người hoạt động tích cực trong lực lượng công an xã.

Sau bao năm vất vả làm ăn, đến nay gia đình anh Ngọc đã xây được căn nhà mới, cuộc sống gia đình đã dần ổn định. Với anh niềm vui như càng được nhân lên khi cô con gái đầu lòng hiện nay đang học lớp 12, học lực luôn thuộc tốp khá trong lớp. Nếu thi đỗ đại học năm nay anh chị sẽ phải làm việc vất vả hơn để lo chi phí cho con ăn học. Vì vậy, dù một ngày làm việc ở xã với cương vị Phó Chủ tịch UBMTTQ xã với bao nhiêu công việc bận rộn cần giải quyết nhưng hết giờ làm việc anh Ngọc lại “quần xắn móng lợn” tất bật với công việc đồng áng. Hiện nay, gia đình anh Ngọc gieo trồng khoảng hai mẫu lúa, cây màu các loại và chăn nuôi. Với phương châm mùa nào, cây ấy mỗi năm thu nhập khoảng 70 đến 80 triệu đồng. Hiện nay, ngoài anh Ngọc, anh Cừ là những người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng tiêu biểu xuất sắc và thực sự tiến bộ còn có các anh Bùi Văn Cường xóm Đồng Sy, Đỗ Đình Hồng, Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Mạnh Sử thôn Cầu Sơn…làm kinh tế giỏi, hàng năm có thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng hoặc tham gia các đoàn thể xã hội của xã, xóm và thôn.

Theo đánh giá của UBMTTQ xã Nhuận Trạch thì mô hình “phối hợp, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng” trên địa bàn xã Nhuận Trạch đã và đang đem lại hiệu quả tốt, giúp đỡ người lầm lỗi có cơ hội trở lại với xã hội, xóa đi được mặc cảm, không bị xa lánh, kỳ thị để hòa nhập với cộng đồng, ổn định cuộc sống có đóng góp cho gia đình, địa phương và xã hội. Từ mô hình này đã góp phần quan trọng vào công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Cùng với mô hình Hội cựu chiến binh tham gia bảo vệ an ninh trật tự, Hội Nông dân tham gia tuần tra giữ bình yên thôn xóm đã làm cho tình hình an ninh chính trị được ổn định, không có tranh chấp khiếu kiện, trật tự trên địa bàn xã được ổn định, hạn chế tội phạm và tệ nạn xã hội…

Trời về chiều cũng là lúc hết giờ làm việc ở xã. Các anh lại trở về với ngôi nhà nhỏ của riêng mình. Để rồi ngày mai thức dậy lại bắt đầu một ngày mới với công việc nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa. “Khi nào còn đủ sức khỏe, còn được chính quyền và nhân dân tin yêu, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế địa phương cũng như bảo đảm trật tự an ninh xã hội trên địa bàn” đó là câu nói chân tình của các anh khi chia tay chúng tôi