Theo nhận định của doanh nghiệp lữ hành, các điểm du lịch tại Hòa Bình đang trở thành điểm đến của du khách Hà Nội, do có thể đi lại được trong ngày. Bên cạnh khám phá vẻ đẹp hoang sơ, du khách còn có cơ hội tiếp cận với những nét văn hóa Mường tại các bản làng dân tộc và gần đây nhất là “Bảo tàng không gian văn hóa Mường” Hòa Bình.
Thưởng ngoạn lòng hồ
Vào dịp cuối tuần, tại bến cảng du lịch bến Thung Nai (xã Cao Phong), từng đoàn xe ô tô đỗ kín bãi lên xuống để chuyển tiếp lên thuyền đi thăm lòng hồ Hòa Bình. Anh Lê Quang Đạo, Phó giám đốc Viet Vision Travel cho biết, cứ vào đầu năm, tuyến du lịch lòng hồ Hòa Bình thu hút rất đông khách nội địa.
Chỉ mất khoảng 30 phút đi từ bến cảng Thung Nai, chúng tôi đã đến đền Thác Bờ. Hướng dẫn viên cho biết, ngôi đền nằm lưng chừng núi, dù không có nét độc đáo về kiến trúc nhưng tương truyền nơi đây rất linh thiêng, từ lâu đã trở thành điểm du lịch tâm linh độc đáo thuộc quần thể du lịch lòng hồ. Nơi đây thờ bà Đinh Thị Vân, người Mường và một người phụ nữ dân tộc Dao ở Vầy Nưa giúp Vua Lê Thái Tổ và quân lính vượt qua nhiều thác ghềnh dẹp loạn Đèo Cát Hãn. Khi hai bà mất, Vua Lê đã truy phong công trạng, ban chiếu cho dân lập đền thờ. Đền nằm dưới Thác Bờ nên gọi là đền Chúa Thác Bờ. Dân trong vùng vẫn thường xuyên khói hương thờ phụng và được mệnh danh là bà chúa cai quản cả một miền Tây Bắc. Khi chưa xây dựng đập thủy điện Hòa Bình, đoạn Thác Bờ - Ghềnh Hoa hiểm trở vô cùng, thuyền bè đi qua hay bị đắm. Do đó, đi lễ đền bà Chúa Thác Bờ còn mong bà che chở và phù trợ cho dân chài, thuyền buôn đi qua xứ này.
Khi thủy điện Hòa Bình tích nước, một đền thờ mới đã được người dân 2 bên lòng hồ dựng lên, nằm gần như đối diện với đền thờ cũ (một đền thờ nằm ở xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, và một đền nằm ở xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc). Vào những ngày rằm, mồng một, đền bà Chúa Thác Bờ luôn diễn ra các buổi hầu đồng rất lớn và du khách có cơ hội khám phá nét văn hóa độc đáo của những giá đồng.
Du khách còn có thể ghé thăm động Thác Bờ (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) với nhiều tầng, thạch nhũ muôn hình lung linh. Năm 2009, động Thác Bờ đã được Bộ VH,TT&DL công nhận là di tích danh thắng quốc gia tạo điều kiện hút khách.
Kết hợp giáo dục văn hóa dân tộc
Nằm giữa cung đường từ bến cảng Thung Nai về TP Hòa Bình, du khách sẽ có dịp dừng chân tại “Bảo tàng không gian văn hóa Mường” của họa sĩ Vũ Đức Hiếu. Tuy là người Kinh nhưng sinh ra và lớn lên tại Hòa Bình, họa sĩ trẻ Vũ Đức Hiếu đã dành hơn chục năm sưu tập về các hiện vật của người Mường và tái hiện lại không gian sống của người Mường nằm trên vạt đồi rộng 2 ha. “Bảo tàng không gian văn hóa Mường” là bảo tàng tư nhân đầu tiên về văn hóa của dân tộc Mường, một dân tộc có bề dày truyền thống văn hóa trong đại gia đình các dân tộc Việt
Công trình được chính họa sĩ Hiếu bỏ vốn xây dựng. Cũng chính anh đã tự thiết kế “Bảo tàng không gian văn hóa Mường” này. Bảo tàng được chia làm 2 khu vực chung: Khu Tái hiện và khu Trưng bày. Khu tái hiện gồm 4 khu nhà sàn (nhà Lang, nhà Ậu, nhà Nóc, nhà Nóc Trọi) đại diện cho 4 tầng lớp trong xã hội Mường. Nhà Lang là tầng lớp có quyền lực cao nhất, nắm quyền thống trị toàn Mường. Nhà Ậu là những người giúp việc cho nhà Lang. Nhà Nóc là tầng lớp bình dân trong xã hội Mường. Nhà Nóc Trọi là tầng lớp bần cùng trong xã hội Mường. Các ngôi nhà này được sưu tầm và xây dựng từ chính các ngôi nhà cổ thuộc các tầng lớp trong xã hội Mường. Ngôi nhà cổ nhất có tuổi đời hơn 100 tuổi được mua lại từ một gia đình nhà Lang tại huyện Tân Lạc.
Khu trưng bày gồm các nhà trưng bày theo chủ đề, trưng bày cố định (ruộng bậc thang, ao cá, xe nước…), thư viện và khu trưng bày nghệ thuật. Các khối nhà này được liên kết với nhau bởi hệ thống đường đi, khu trưng bày ngoài trời và sân chơi cộng đồng.
Đến nay “Bảo tàng không gian văn hóa Mường” đã sưu tầm và lưu giữ được hơn 3.000 hiện vật. Trong đó có rất nhiều hiện vật có giá trị như: Cồng chiêng, lư bằng đồng… và nhiều các hiện vật về đời sống sinh hoạt, kinh tế, văn hóa… của người Mường, được bố trí theo từng nhóm chủ đề như: Công cụ đánh bắt cá, công cụ nghề dệt, dụng cụ săn bắn, phòng tang ma, đồ dùng sinh hoạt gia đình…
Đây không chỉ là là nơi để tham quan, giải trí mà còn là nơi để tìm hiểu, nghiên cứu về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường. Anh Hiếu tâm sự: "Dù phải đầu tư rất lớn và hoạt động có thể lỗ nhưng tôi muốn giới thiệu không gian văn hóa Mường tới mọi người, không muốn những đồ vật sưu tập được nằm trong tủ kính nằm “chết” trong các bảo tàng". Chị Đinh Thị Phú, thuyết minh viên của bảo tàng thừa nhận: "Dù là người Mường nhưng bản thân tôi cũng không để ý tới những tập tục, vật dụng xung quanh trong sinh hoạt của dân tộc mình. Trong cuộc sống hiện đại, nhiều tập tục, đồ dùng ngày xưa cũng dần mất đi. Khi vào đây làm việc, tôi mới có điều kiện hệ thống lại những nét đẹp văn hóa của người Mường và muốn quảng bá nét đặc trưng cơ bản của xã hội Mường về đời sống xã hội, kinh tế, phong tục tập quán của dân tộc Mường".
Anh Lê Quang Đạo cho biết, với một không gian sống động, “Bảo tàng không gian văn hóa Mường” không chỉ hấp dẫn khách nội địa mà còn là điểm dừng chân của nhiều du khách quốc tế; nhất là Hòa Bình từng được mệnh danh là thủ phủ của người Mường. Không dừng lại tham quan, nhiều du khách, trong đó không ít thế hệ trẻ tại nội thành Hà Nội, đang muốn được trải nghiệm, trang bị những kỹ năng cơ bản thích ứng với môi trường tự nhiên. Đó là lý do, các doanh nghiệp lữ hành như Viet Vision Travel và “Bảo tàng không gian văn hóa Mường” đã phối hợp tổ chức các hoạt động hướng dẫn kỹ năng sống cho các em, lồng ghép các chương trình vui chơi học tập và tìm hiểu văn hóa, để các em vừa được học vừa được chơi. Loại hình du lịch mới này hứa hẹn sẽ hấp dẫn du khách dịp hè này.