DetailController

Khoa học - Môi trường

Kết quả triển khai thực hiện Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

29/02/2024 16:40
Thời gian qua, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sau khi Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng -Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 06/02/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện. Năm 2023, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện và hiện tại đã hoàn thành 02 nhiệm vụ. Cụ thể điều tra, đánh giá hiện trạng; đề xuất giải pháp quản lý hoạt động xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. Điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các sông hồ là nguồn nước nội tỉnh; đề xuất giải pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. Lập Danh mục và Bản đồ phân vùng hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất. Thời gian thực hiện là 17 tháng. Tuy nhiên, hiện tại đã hoàn thành và đang trong giai đoạn nghiệm thu. Dự kiến sẽ hoàn thành trước kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình đã và đang trong quá trình triển khai thực hiện 04 nhiệm vụ, gồm có xây dựng hệ thống quản lý, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Dự kiến trong Quý II/2024 sẽ hoàn thành. Xây dựng quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ tại các trạm quan trắc tài nguyên nước mặt trên các sông thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Hoà Bình. Điều tra, đánh giá, xác định và công bố dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa, đập dâng đối với từng nguồn nước trong lưu vực sông nội tỉnh Hòa Bình”. Xây dựng cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu tỉnh Hòa Bình. Trong năm 2024, tỉnh Hòa Bình sẽ triển khai thực hiện thêm 02 nhiệm vụ, cụ thể là kiểm kê tài nguyên nước trên địa bản tỉnh Hòa Bình, giai đoạn đến năm 2025. Rà soát, điều chỉnh danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Tình hình thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước, tỉnh Hòa Bình phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thành công Lễ phát động quốc gia hưởng ứng “Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ trái đất năm 2023 bằng nhiều hình thức như truyền hình trực tiếp tại 63 tỉnh, thành; báo, đài; cổng thông tin điện tử; tổ chức hội thảo, tọa đàm; in, treo băng rôn, phướn tuyên truyền, văn bản… Qua đó, đã kêu gọi cộng đồng cùng thực hiện các chương trình hành động bảo vệ tài nguyên nước, khai thác và quản lý nước trong cuộc sống hàng ngày. Yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Hòa Bình, Cổng thông tin điện tử triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ trái đất năm 2023” trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 02 Lớp Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về tài nguyên nước và biến đổi khí hậu cho công chức, viên chức các sở, ban, ngành; Lãnh đạo và công chức các phòng: Kinh tế hạ tầng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố; Lãnh đạo và công chức phụ trách môi trường, địa chính - nông nghiệp cấp xã, phường trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 100% các xã, phường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tham gia với tổng 306 học viên. Công tác tuyên truyền pháp luật về tài nguyên nước luôn được thực hiện lồng ghép trong các đợt thanh tra, kiểm tra.

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường. Trong đó có lồng ghép kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn. Qua công tác kiểm tra cho thấy, phần lớn các cơ sở, doanh nghiệp đã có ý thức trong công tác chấp hành pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước như: Lập hồ sơ xin cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt, nước dưới đất; chủ động đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống khai thác nước; xây dựng hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định; nộp đủ tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; nộp đủ tiền thuế tài nguyên nước theo quy định. Các tổ chức, cá nhân đã tích cực khắc phục các nội dung còn tồn tại sau khi đoàn kiểm tra yêu cầu. Nộp đủ tiền thuế tài nguyên nước các năm; lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước. Tăng cường công tác vệ sinh công nghiệp; báo cáo tình hình khai thác, sử dụng nước dưới đất. Nâng cấp hệ thống khai thác nước giếng khoan./.