DetailController

Tin từ các đơn vị

Kết quả triển khai công tác cải cách hành chính 7 tháng đầu năm 2024

07/08/2024 17:13
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh tiếp tục được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xác định là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính. Để triển khai đảm bảo các mục tiêu đã đề ra, ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các Quyết định, Kế hoạch để triển khai nhiệm vụ CCHC của tỉnh; phân công cụ thể trách nhiệm đối với thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tham mưu chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, lĩnh vực CCHC và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về điểm số, thứ hạng của các tiêu chí, tiêu chí thành phần, chỉ số lĩnh vực, nội dung thuộc trách nhiệm của cơ quan mình được phân công.
Tổng số hồ sơ thủ tục hành chính đã tiếp nhận tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã là 75.760 hồ sơ, đang giải quyết 803 hồ sơ, đã giải quyết 74.957 hồ sơ

Công tác tuyên truyền về CCHC được tỉnh quan tâm tổ chức thực hiện với nhiều hình thức đa dạng. Đã tổ chức Hội thi trực tuyến tìm hiểu công tác CCHC trong cán bộ, công chức, viên chức năm 2024. 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền CCHC và triển khai dưới nhiều hình thức. Công tác kiểm tra CCHC cũng luôn được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo. Sở Nội vụ đã chủ trì thực hiện kiểm tra về tổ chức và hoạt động, công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ tại 10 cơ quan, đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 25%) và bằng 0%. Qua công tác kiểm tra, đã kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc; đồng thời đề ra những giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế về công tác CCHC trong thời gian đến tại các cơ quan, địa phương được kiểm tra.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ CCHC cho các đơn vị, địa phương. Năm 2023, 2024, UBND tỉnh đã bố trí nguồn kinh phí giao cho Sở Thông tin và Truyền thông và UBND các huyện, thành phố mở được 25 lớp bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số cho 2.030 học viên.

Kết quả triển khai các nhiệm vụ CCHC, về cải cách thể chế:  Công tác xây dựng, ban hành VBQPPL thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định. từ ngày 01/01/2024 đến ngày 31/7/2024, Sở Tư pháp đã thực hiện phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét 53 đề nghị xây dựng văn bản QPPL của các Sở, ban, ngành. Đóng góp ý kiến 22 dự thảo Luật, 28 dự thảo văn bản QPPL. Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 34 văn bản QPPL: 11 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; 23 Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh. có 41 văn bản quy phạm pháp luật phải xử lý hoặc kiến nghị xử lý sau khi rà soát (sửa đổi, bổ sung 06 văn bản, thay thế 14 văn bản, bãi bỏ 12 văn bản, ban hành mới 09 văn bản); đến thời điểm hiện nay đã hoàn thành xử lý 11 văn bản.

Trong cải cách thủ tục hành chính, đã ban hành 78 Quyết định công bố danh mục TTHC và phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC. Trong đó, công bố mới 103 TTHC; sửa đổi, bổ sung: 498 TTHC; bãi bỏ, hủy bỏ: 68 TTHC. Trên cơ sở Quyết định công bố của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đã cập nhập, đăng tải công khai kịp thời 601 TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC (gồm 103 TTHC công bố mới, 498 TTHC sửa đổi, bổ sung) và đồng bộ trên Cổng Dịch vụ công tỉnh đạt 100%; không công khai 68 TTHC (do bị bãi bỏ), 100% TTHC thuộc phạm vi quản lý của tỉnh đều được đồng bộ trên Cổng Dịch vụ công tỉnh và công khai tại Bộ phận Tiếp nhận, Trả kết quả các cấp và Trang thông tin điện tử của ngành, địa phương.

8 tháng đầu năm (tính đến hết 31/7/2024), Ủy ban nhân dân tỉnh đã tiếp nhận 112 phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định TTHC, hành vi hành chính (trong đó có 110 phản ánh, kiến nghị gửi trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 02 phản ánh, kiến nghị gửi qua hộp thư điện tử phongkstt.vpubnd@gmail.com). Kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị của các đơn vị, địa phương đều được cập nhật và đăng tải công khai kịp thời trên hệ thống phản ánh, kiến nghị - Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo quy định.

Tính đến hết 31/7/2024), toàn tỉnh đã tiếp nhận 281.917 hồ sơ TTHC (trong đó, tiếp nhận trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính công ích là 7.304 hồ sơ, tiếp nhận trực tuyến là 274.612 hồ sơ, từ kỳ trước chuyển sang là 01 hồ sơ). Số hồ sơ đã và đang giải quyết là 280.969 hồ sơ, quá hạn 948 hồ sơ. Tỷ lệ TTHC được giải quyết đúng hạn của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đạt 97,32% (tiếp nhận 63.268 hồ sơ; đã và đang giải quyết trong hạn 62.844; quá hạn 424 = 0,67%); tại cấp huyện đạt 99,74% (tiếp nhận 113.208 hồ sơ; đã và đang giải quyết trong hạn 112.917 hồ sơ; quá hạn 291 hồ sơ = 0,25%); tại cấp xã đạt 99,77% (tiếp nhận 105.441 hồ sơ, đã và đang giải quyết trong hạn 105.208 hồ sơ; quá hạn 233 hồ sơ = 0,22%)….

Về cải cách tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước: Đã Quyết định tổ chức lại 04 đơn vị sự nghiệp, sau khi tổ chức lại đã giảm 02 đơn vị; Phối hợp tham mưu thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; Quyết định quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 12 đơn vị thuộc Sở.

Thực hiện Nghị quyết 830/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh đã  thực hiện giảm 01 đơn vị hành chính cấp huyện và giảm 59 đơn vị hành chính cấp xã. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 huyện, thành phố và 151 xã, phường, thị trấn. Sau sắp xếp, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tổ chức chính trị - xã hội và hoạt động của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới được triển khai cơ bản thuận lợi, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.

Công tác quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Hoà Bình được thực hiện theo đúng quy định.  Từ đầu năm đến nay tỉnh Hoà Bình đã thực hiện tinh giản biên chế được 202 người (trong đó công chức: 29 chỉ tiêu giảm 1,4%; viên chức: 173 chỉ tiêu, giảm 0,76%) so với chỉ tiêu biên chế giao năm 2023. Tỉnh đã xây dựng Kế hoạch quản lý, sử dụng biên chế đến hết năm 2026; theo đó, phấn đấu đến năm 2026, tổng số biên chế công chức của tỉnh còn 1.958 biên chế, giảm 103 biên chế so với năm 2021, tổng số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn 20.489 người, giảm 2.276  người so với năm 2021.

Về cải cách chế độ công vụ, tính đến ngày 31/3/2024, đã ban hành Quyết định phê duyệt vị trí việc làm đối với 100% cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, với tổng số 30 cơ quan, tổ chức hành chính (18 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; 02 tổ chức khác là Đoàn đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; UBND 10 huyện, thành phố) và 623 đơn vị sự nghiệp công lập.

Về cải cách tài chính công,  trong 7 tháng đầu năm 2024, các ngành, các cấp, các địa phương đã tập trung hoàn thành công tác giao chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách năm 2024. Cụ thể như sau: Thu ngân sách nhà nước tính đến hết ngày 17/7/2024 đạt 3.400.114 triệu đồng, trong đó thu nội địa là 3.176.653 triệu đồng, bằng 84% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 58% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, thu xuất khẩu đạt 223.461 triệu đồng bằng 86% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh giao.  Thu ngân sách địa phương thực hiện đến hết ngày 17/7/2024 đạt 19.056.587 triệu đồng bằng 132% dự toán Thủ tướng Chính phủ và 118% chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân giao. Chi ngân sách địa phương thực hiện đến hết ngày 17/7/2024 đạt 9.239.198 triệu đồng, bằng 64% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 57% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân.

Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, việc ứng dụng CNTT phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong các cơ quan trên địa bản tỉnh đã có tiến triển và đạt được một số kết quả khả quan so với kế hoạch đề ra. Các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã quan tâm đầu tư và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, hiện đại hóa nền hành chính, tạo điều kiện quan trọng để Hòa Bình có chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (ICT index), đạt mức trung bình của cả nước; Hạ tầng viễn thông được triển khai đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của các đơn vị đã được đầu tư và phát triển theo đúng định hướng và quy hoạch. Trong 7 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 98/KH-BCĐ ngày 16/5/2024 về hoạt động của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình năm 2024 và các văn bản nhằm triển khai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh…/.