DetailController

Kinh tế

Kết quả thực hiện Đề án cứng hóa đường giao thông nông thôn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025 năm 2023

15/01/2024 16:30
Đề án cứng hóa đường giao thông nông thôn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025 được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 121/QĐ-UBND ngày 20/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình với tổng khối lượng thực hiện 1.202km. Trong đó: Đường xã, đường từ trung tâm xã đến đường huyện: 87km; đường trục thôn, bản và đường liên thôn, bản: 450km (Ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư 127km; còn lại do các Chương trình mục tiêu Quốc gia và các nguồn vốn khác đầu tư); đường ngõ, xóm: 358km; đường trục chính nội đồng: 307km (Ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư 122km; còn lại do các Chương trình mục tiêu Quốc gia và các nguồn vốn khác đầu tư). Tổng mức đầu tư: 1.921.350 triệu đồng.
Năm 2023 toàn tỉnh cứng hóa được 382,57 km đường giao thông nông thôn, từng bước hoàn thiện các tuyến đường giao thông nông thôn bằng bê tông xi măng để phục vụ đi lại của nhân dân, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội

Sau khi Đề án cứng hóa đường giao thông nông thôn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025 được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, Sở Giao thông vận tải tổ chức triển khai thực hiện đề án cứng hóa đường giao thông nông thôn tinh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025 gửi đến các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố. Hàng năm, Sở đều có các Văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổng hợp nhu cầu cứng hóa để xây dựng kế hoạch thực hiện từng năm của Đề án. Sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện năm 2023 của Đề án, Sở Giao thông vận tải đã có các Văn bản triển khai đến Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành và sự ủng hộ của Nhân dân, vì vậy Đề án được thực hiện khá hiệu quả với số km được cứng hóa cao, các tuyến đường có bề rộng nền, mặt đường đáp ứng được yêu cầu đề ra của Đề án.

Bằng các nguồn vốn khác nhau, năm 2023 toàn tỉnh cứng hóa bằng bê tông xi măng và đá dăm láng nhựa được 382,57 km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí là 1.154.404 triệu đồng. Trong đó: Khối lượng thực hiện chia theo loại đường như sau: Đường xã: 38,07 km; đường trục thôn, xóm: 157,51 km; đường ngõ: 134,89km; đường trục chính nội đồng: 52,1 km. Khối lượng thực hiện chia theo loại nguồn vốn như sau: Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới: 140,09km; chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững: 57,12km; chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 29,9 km. Số km thuộc kế hoạch được ngân sách địa phương hỗ trợ Đề án đã thực hiện nhưng chưa được bố trí vốn: 12,52 km. Nguồn vốn khác (ngân sách trung ương, tỉnh, huyện, xã, ODA, sự nghiệp, …): 143,91 km. Kinh phí huy động đối với từng nguồn vốn như sau: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: 264.510 triệu đồng; chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: 135.160 triệu đồng; chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 96.190 triệu đồng. Số kinh phí thuộc kế hoạch được ngân sách địa phương hỗ trợ Đề án đã thực hiện nhưng chưa được bố trí vốn: 4.641 triệu đồng. Kinh phí huy động từ nhân dân: 70.951 triệu đồng. Nguồn vốn khác (ngân sách trung ương, tỉnh, huyện, xã, ODA, sự nghiệp, …): 582.954 triệu đồng.

Trong thời gian tới,  phát huy những kết quả đạt được, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án cứng hoá đường giao thông nông thôn tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021 – 2025. Tiếp tục phát huy vai trò của các địa phương trong việc thực hiện Đề án gắn với thực tiễn, huy động sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp và người dân. Đối với các tuyến đường có yêu cầu kỹ thuật không cao có sẵn thiết kế mẫu, khu vực tập trung đông dân cư ưu tiên thực hiện bằng hình thức "Nhà nước hỗ trợ, nhân dân tự làm". Còn các tuyến đường có yêu cầu kỹ thuật cao, qua khu vực dân cư thưa thớt sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ toàn bộ chi phí. Đồng thời, quan tâm đến công tác khen thưởng trong quá trình thực hiện Đề án. Huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành và địa phương gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, dành nguồn lực thực hiện thành công Đề án trong giai đoạn tới. Các địa phương quan tâm bảo trì đối với các công trình giao thông đã được đầu tư để duy trì khả năng khai thác và tăng tuổi thọ cho công trình. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức của nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; thực hiện nhiệm vụ nông thôn mới đồng thời đáp ứng các yêu cầu bảo vệ công trình giao thông./.