Thực hiện rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đến nay, toàn tỉnh có 541 đơn vị, trường học; tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có trường, lớp từ mầm non đến THCS. Các huyện, thành phố có từ 2 đến 4 trường THPT, riêng thành phố Hòa Bình có 07 trường THPT và 01 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, 01 Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp hướng nghiệp – Ngoại ngữ, tin học.
Chất lượng Giáo dục và Đào tạo có chuyển biến rõ nét. Huy động học sinh trong độ tuổi vào các cấp học đạt tỷ lệ cao; trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 75,01%, trong đó trẻ tuổi nhà trẻ đạt tỷ lệ 42,8%, trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 98,1%. Công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ tiếp tục được nâng cao; có 97% trẻ được ăn tại trường, 100% cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn thể chất và tinh thần, không có ngộ độc, tai nạn thương tích xảy ra. Hằng năm, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học và tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 99% trở lên; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 86%. Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu tiếp tục được chú trọng; hàng năm tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT đạt từ 16 đến 46 giải; tham dự cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, đạt 3 - 4 giải.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay. Toàn ngành có 99,5% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đạt chuẩn trở lên; 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học còn lại có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó trình độ trên chuẩn GDMN đạt 75%; GDTH đạt 84%; THCS đạt 60,9%, PTDTNT đạt 7,9%; THPT đạt 14,94%; GDTX đạt 11,3%; CĐSP đạt 60,3%.
Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh. Tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn Quốc gia đến nay đạt 52,8% (tăng 19,5% so với năm 2015), trong đó trường mầm non đạt 54%; trường tiểu học đạt 83,7%; trường THCS, TH&THCS, PT DTNT đạt 50,43% và trường THPT đạt 32,43%.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 151 trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả, bốn mục tiêu xây dựng xã hội học tập đều đạt và vượt kế hoạch. Chất lượng phổ cập giáo dục các cấp tiếp tục được duy trì và nâng cao; năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công nhận tỉnh Hòa Bình đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Công tác giáo dục dân tộc tiếp tục được quan tâm, hệ thống các trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú được mở rộng về quy mô, nâng cấp về cơ sở vật chất. Các huyện có nhiều đồng bào dân tộc đều có các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú tạo điều kiện cho con em các dân tộc thiểu số được học tập có chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 13 trường phổ thông dân tộc nội trú, 13 trường phổ thông dân tộc bán trú.
Trong thời gian tới, tỉnh xác định tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới; tập trung thực hiện các giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và đạo đức công dân; quan tâm chăm lo công tác giáo dục dân tộc. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm các điều kiện cơ bản để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới; mở rộng hình thức dạy học qua truyền hình, internet; phấn đấu đến năm 2025, có trên 59% trường đạt chuẩn quốc gia. Phân cấp, trao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục để nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động hợp tác quốc tế. Nâng cao kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, hình thành đội ngũ làm công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Đổi mới công tác quản lý, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong hoạt động giáo dục và đào tạo./.