Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tuyên truyền về mục tiêu, nội dung các cơ chế chính sách của Chương trình MTQG xây dựng NTM; đưa những gương điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế hộ gia đình, các tập thể điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới để phổ biến và nhân rộng.
Tính đến hết tháng 4/2024, toàn tỉnh có 80/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 62%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 28 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 75 Khu dân cư kiểu mẫu, 258 vườn mẫu. Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018, huyện Lương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, huyện Lạc Thủy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Số xã đạt từ 15-18 tiêu chí là 02 xã; số xã đạt từ 10-14 tiêu chí là 47 xã. Không có xã đạt dưới 10 tiêu chí. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 85,7% kế hoạch Trung ương giao giai đoạn 2021-2025 và đạt 68,8% kế hoạch của tỉnh đề ra. Các địa phương (xã, huyện) đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tiếp tục thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao.
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã đem lại những hiệu quả rõ nét mọi mặt đời sống xã hội của tỉnh về phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp trung bình hàng năm từ 4,5-5%; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần nâng tầm giá trị nông sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương, đến nay toàn tỉnh có 158 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (02 sản phẩm OCOP tiềm năng hạng 5 sao; 32 sản phẩm OCOP hạng 4 sao và 124 sản phẩm OCOP hạng 3 sao) tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của tỉnh được các khách hàng trong nước và quốc tế tin dùng như: Cam Cao phong, Bưởi đỏ Tân Lạc, Cá sông Đà, sản phẩm chế biến từ măng nứa, măng bát độ, nhóm dược liệu như cao cà gai leo, cao xạ đen, du lịch cộng đồng, thổ cẩm dân tộc...
Chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn được thực hiện tốt; đời sống văn hoá của người dân nông thôn được nâng lên; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy theo hướng bền vững gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; nâng cao chất lượng môi trường, tăng cường hệ thống cấp nước sạch nông thôn; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng – xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục hình ảnh, cảnh quan truyền thống của nông thôn; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tiến tới xây dựng nông thôn mới thông minh./.