DetailController

Chỉ đạo điều hành

Kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri

30/10/2024 15:03
Thực hiện báo cáo số 243/BC-ĐĐBQH ngày 19/7/2024 của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hoà Bình về tổng hợp kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV; Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành giải quyết, trả lời theo thẩm quyền những ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp, báo cáo kết quả giải quyết những ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền, như sau:

Lĩnh vực Đầu tư - Quy hoạch (03 ý kiến):

1. Đề nghị quan tâm nghiên cứu đề nghị với cấp có thẩm quyền xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù ưu đãi cho Khu Du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình; đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, thu hút đầu tư phát triển Khu Du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình (Cử tri thành phố Hòa Bình).

Trả lời: Ngày 01/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1528/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, theo đó Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình có vị trí nằm trên địa bàn 05 đơn vị hành chính gồm: thành phố Hòa Bình (gồm các phường: Thái Bình, Phương Lâm, Tân Thịnh) và các huyện: Đà Bắc (gồm các xã: Đồng Ruộng, Yên Hòa, Cao Sơn, Tiền Phong, Vầy Nưa, Hiền Lương và Toàn Sơn), Cao Phong (gồm các xã: Bình Thanh và Thung Nai), Tân Lạc (gồm các xã: Suối Hoa và Phú Vinh), Mai Châu (gồm các xã: Sơn Thủy, Tân Thanh và Đồng Tân) với tổng diện tích đất là 1.200ha, không bao gồm diện tích mặt nước. Ngày 25/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 439/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030. Toàn bộ khu vực quy hoạch chia thành 6 phân khu, tổng diện tích tự nhiên khoảng 52.200ha, trong đó có 4 khu vực phát triển du lịch trọng điểm diện tích 21.880ha (gồm: Phân khu 1 phát triển du lịch mang tính chất động gắn với đô thị Hòa Bình, liên kết với hệ thống cảng Ba Cấp, cảng Bích Hạ thuộc TP Hòa Bình. Phân khu 2 phát triển du lịch sinh thái hồ gắn với cảnh quan sông Đà, hồ Hòa Bình thuộc huyện Đà Bắc. Phân khu 3 phát triển du lịch đồi núi cao phía Bắc và hồ Hòa Bình thuộc huyện Cao Phong và Đà Bắc). Phân khu 4 là phân khu trung tâm của khu quy hoạch, với các hoạt động du lịch đặc trưng như mua sắm, phố đi bộ, công viên chuyên đề, du lịch văn hóa tâm linh... thuộc huyện Cao Phong và Tân Lạc. Phân khu 5 phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với cảng Phúc Sạn, kết nối với khu du lịch Mai Châu thuộc huyện Mai Châu. Phân khu 6 là khu vực thiên nhiên hoang dã phía Tây, trung tâm du lịch sinh thái tự nhiên gắn với khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh, đồng thời tận dụng lợi thế của tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đi qua để kết nối tạo thành cửa ngõ phía Tây của Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình thuộc huyện Đà Bắc).

Hiện nay, các ưu đãi đầu tư được thực hiện theo quy định tại Điều 15 Luật Đầu tư 2020 gồm: Hình thức ưu đãi đầu tư, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư. Ủy ban nhân dân tỉnh đã và đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, cụ thể hóa các nội dung để triển khai có hiệu quả công tác thu hút đầu tư và đầu tư xây dựng các dự án trên phạm vi Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển du lịch, thu hút đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình nói riêng là cần thiết. Tuy nhiên, do là Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình nên có nhiều quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường và các quy định khác cần phải nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ, ngành có liên quan theo quy định của pháp luật. Ghi nhận kiến nghị của cử tri thành phố Hòa Bình, trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng đến nghiên cứu tìm kiếm cơ hội đầu tư và nghiên cứu việc xây dựng cơ chế ưu đãi đặc thù cho Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình.

2. Đề nghị quan tâm xem xét việc triển khai đầu tư các dự án trên địa bàn xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc. Theo quyết định số 439/QĐ – TTg, ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch chung khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035. Trên cơ sở quyết định số: 2021/QĐ - UBND ngày 10/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình lấy xã Suối Hoa là vùng lõi của khu du lịch. Hiện nay trên địa bàn xã có 4 dự án lớn được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng. Tuy nhiên đến nay triển khai rất chậm, chỉ có 01 dự án (Công ty Hoàng Sơn) đang tiến hành xây dựng giai đoạn 1. Trong khi đó các hộ dân đã chuyển nhượng đất cho dự án, dân mong muốn dự án sớm đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động, tạo công ăn việc làm, ổn định an sinh xã hội (Cử tri huyện Tân Lạc)

Trả lời: Trên địa bàn xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc hiện có 04 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư gồm: Dự án Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình do Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng thực hiện; Dự án Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa do Công ty Cổ phần đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn thực hiện; Dự án Khu du lịch sinh thái V’Star - Ngòi Hoa do Công ty Cổ phần V’Star - Ngòi Hoa (Nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Newgreenbay); Dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Gươm - Sông Đà do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm thực hiện. Trong số các dự án nêu trên chỉ có dự án Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa của Công ty Cổ phần đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn đang được đầu tư xây dựng các hạng mục công trình giai đoạn 1 của dự án. Đối với dự án Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình của Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng đang trong thời gian thẩm định đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng của dự án theo quy mô đầu tư được phê duyệt tại Quyết định số 45/QĐ-UBND ngày 25/7/2023; dự án Khu du lịch sinh thái V’Star - Ngòi Hoa, UBND tỉnh đang xem xét nội dung điều chỉnh dự án tại Báo cáo thẩm định số 178/BC-SKHĐT ngày 17/6/2024 của Sở Kế hoạch và Đầu tư; dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Gươm - Sông Đà do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm thực hiện đang gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng khu đất thực hiện dự án, hiện nay nhà đầu tư mới thỏa thuận, giải phóng mặt bằng được 7,2ha/62,98ha tổng diện tích khu đất thực hiện dự án. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, trường hợp nhà đầu tư không có khả năng triển khai dự án, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh phương án xử lý dự án chậm triển khai theo quy định của pháp luật.

3. Đề nghị quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ cấp xã, đảm bảo có đủ năng lực thực hiện các dự án khi được phân cấp cho cấp xã làm chủ đầu tư (Cử tri huyện Đà Bắc).

Trả lời: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, hiện nay Ủy Ban Dân tộc đã ban các chuyên đề để đào tạo, tập huấn bồi dưỡng cho cộng đồng và cán bộ các triển khai Chương trình  tại Quyết định số 951/QĐ-UBDT ngày 08/12/2023 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, phê duyệt Ban hành đợt I (16 chuyên đề); Quyết định số 86/QĐ-UBDT ngày 20/02/2024 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, phê duyệt Ban hành đợt II (08 chuyên đề) của Bộ tài liệu đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho cộng đồng và cán bộ triển khai thực hiện chương trình ở các cấp thuộc Tiểu dự án 4, Dự án 5 Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;

Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh - Cơ quan thường trực thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tổ chức triển khai thực hiện, kịp thời xây dựng kế hoạch thực hiện đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho cộng đồng và cán bộ các cấp thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch thực hiện năm  với mục đích Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trang bị kiến thức, kỹ năng triển khai thực hiện Chương trình cho cộng đồng, cán bộ các cấp về Quy trình triển khai dự án, tiểu dự án của Chương trình; quy trình, kỹ năng làm chủ đầu tư, công tác duy tu bảo dưỡng công trình sau đầu tư, nghiệp vụ đấu thầu, quản lý tài chính và thanh quyết toán; quy trình lập kế hoạch; kiểm tra, giám sát, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình và các kỹ năng về phát triển cộng đồng; tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trên địa bàn các xã, thôn xóm thuộc diện đầu tư của Chương trình.

Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân bổ nguồn vốn sự nghiệp cho các huyện, thành phố để thực hiện đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho công động và cán bộ triển khai các cấp. Theo đề nghị của cử tri, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân huyện Đà Bắc trên cơ sở nguồn vốn được giao và căn cứ các chuyên đề đã được phê duyệt tại Quyết định số 951/QĐ-UBDT ngày 08/12/2023; Quyết định số 86/QĐ-UBDT ngày 20/02/2024 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc  chủ động nghiên cứu, lựa chọn các nội dung, chuyên đề để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu của địa phương và nhóm đối tượng đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng theo quy định.  Phối hợp mời cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành và cử cán bộ huyện tham gia làm giảng viên, báo cáo viên truyền đạt các chuyên đề thuộc chức năng, nhiệm vụ lĩnh vực ngành được giao quản lý hoặc các đơn vị, cơ sở đào tạo có đủ tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật, để kịp thời đào tạo, tập huấn cho cán bộ các cấp để đảm bảo đủ năng lực thực hiện các dự án khi được phân cấp triển khai thực hiện.

Lĩnh vực Tài chính, Ngân sách  (03 ý kiến):

1. Đề nghị quan tâm hướng dẫn và quy định rõ về cơ chế hỗ trợ, bố trí ngân sách nhà nước cho việc xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, khu dân cư và thực hiện tu bổ, trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh được cấp có thẩm quyền xếp hạng (ngoài nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia) (Cử tri huyện Tân Lạc).

Trả lời: * Về quan tâm hướng dẫn và quy định rõ về cơ chế hỗ trợ, bố trí ngân sách nhà nước cho việc xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, khu dân cư: Hiện nay cơ chế bố trí ngân sách nhà nước cho việc hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, khu dân cư đang được thực hiện theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Dự án 6 có xác định mục tiêu: “Hỗ trợ vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch”. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 được quy định tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước để xây dựng và nâng cấp Trung tâm thể thao, Nhà văn hóa xã, khu thể thao, nhà văn hóa thôn bản…

* Về quan tâm hướng dẫn và quy định rõ về cơ chế hỗ trợ, bố trí ngân sách nhà nước cho việc trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh được cấp có thẩm quyền xếp hạng: Tại khoản 6, mục III, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định các nội dung cụ thể triển khai thực hiện Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch quy định: “Hỗ trợ, tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của dân tộc thiểu số”. Hiện nay, các di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp tỉnh chưa có quy định về cơ chế hỗ trợ, bố trí ngân sách nhà nước cho việc trùng tu, tôn tạo các di tích.

Tại tỉnh Hòa Bình, Tỉnh ủy Hòa Bình ban hành Chỉ thị số 51-CT/TU ngày 28/6/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý di tích trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh đang giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 51-CT/TU ngày 28/6/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó có nhiệm vụ tham mưu trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ ngân sách nhà nước cho việc trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh được cấp có thẩm quyền xếp hạng trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, căn cứ các quy định hiện hành, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ các quy định hiện hành cân đối các nguồn lực để triển khai thực hiện, cũng như xây dựng các phương án thu hút các nguồn lực khác như nguồn xã hội hóa, nguồn lực ngoài ngân sách cho việc xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, khu dân cư và thực hiện tu bổ, trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh được cấp có thẩm quyền xếp hạng, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.

 2. Đề nghị quan tâm xem xét hướng dẫn đối với việc ngân sách cấp huyện chi trả gốc và lãi vay trong trường hợp vay vốn vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, cụ thể: Huyện Tân Lạc đang triển khai thực hiện các dự án để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Do nguồn lực của ngân sách cấp huyện còn hạn chế, trong khi việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để đấu giá đất nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương là cần thiết, nên địa phương đã thực hiện huy động vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư mới thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc. Điều này sẽ dẫn tới việc ngân sách cấp huyện phải thực hiện chi trả gốc, lãi cho Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh. Trong quá trình triển khai, việc ngân sách huyện chi trả gốc, lãi cho Quỹ đầu tư phát triển tỉnh còn vướng mắc, chưa thống nhất giữa quy định của Luật Ngân sách nhà nước và một số quy định khác (Cử tri huyện Tân Lạc)

Trả lời: Ghi nhận kiến nghị của cử tri huyện Tân Lạc, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao cơ quan chuyên môn – Sở Tài chính - chủ trì giải quyết. Ngày 13/9/2024, Sở Tài chính đã có Công văn số 3095/STC-QLNS về việc vướng mắc trong việc bố trí kinh phí để hoàn trả vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển, đề nghị Bộ Tài chính xem xét, tham mưu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định  việc bố trí hoàn trả khoản vay cũng như trả lãi cho Quỹ Đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước của cấp tỉnh, cấp huyện. Sau khi có văn bản quy định của Chính phủ, và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Sở Tài chính sẽ triển khai hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh theo quy định.

3. Đề nghị bãi bỏ Quyết định 08/2023/QĐ-UBND ngày 22/3/2023 của UBND tỉnh quy định cơ chế quay vòng một phần vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ theo từng dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. Lý do: Tại công văn số 4501/BKHĐT-TCTT ngày 28/5/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời địa phương về cơ chế quay vòng vốn: Mục 3 có nêu: Căn cứ tại điểm a, d khoản 8 điều 22 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP) và điều kiện thực tiễn của địa phương, theo thẩm quyền quyết định các quy định về: áp dụng hoặc không áp dụng cơ chế quay vòng; tỷ lệ quay vòng, hình thức quay vòng bằng tiền mặt hoặc hiện vật; trình tự luân chuyển trong cộng đồng và quy trình theo dõi, giám sát của cơ quan, đơn vị được giao kinh phí thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; thời điểm thu điểm hồi vốn, thời gian tối thiểu, tối đa thu hồi vốn; quy trình, hình thức bán, thanh lý hiện vật thu hồi (trường hợp quay vòng bằng hiện vật); sử dụng số tiền sau thu hồi. Mặt khác trong quá trình thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất người dân đã phải đóng góp một phần đối ứng theo quy định để thực hiện các mô hình (Cử tri huyện Tân Lạc).

Trả lời: Ghi nhận ý kiến của cử tri, trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan chủ các Chương trình Mục tiêu quốc gia, rà soát trên địa bàn toàn tỉnh đối với hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, nghiên cứu, đánh giá tác động việc áp dụng cơ chế quay vòng, tham mưu đề xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để bãi bỏ hoặc sửa đổi Quyết định số 08/2023/QĐ-UBND ngày 22/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế tại tỉnh.

Lĩnh vực Chính sách xã hội (01 ý kiến): Do phong tục, tập quán du canh, du cư và một số hộ dân đã rời chỗ ở, để xây dựng thủy điện từ những năm 80. Những hộ này đang sống trong rừng sản xuất. Đây là những nơi sống phân tán, không có quy hoạch dân cư, quy hoạch đất ở. Với trình độ dân trí cũng như tiếp cận với các thủ tục hành chính còn hạn chế nên các hộ dân chưa quan tâm đến đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở mặc dù đã sinh sống và canh tác lâu đời trên chính thửa đất của mình. Dân số ngày càng phát triển kéo theo nhu cầu đất ở nông thôn ngày càng cao. Trong quy hoạch mở rộng khu dân cư, tạo quỹ đất ở cho người dân và thực hiện các thủ tục chuyển mục sử dụng cho các hộ gia đình lại phải căn cứ theo tỷ lệ % đất nông nghiệp và chỉ tiêu được giao khi chuyển mục đích sang đất ở mà nhu cầu chuyển mục đích của người dân là rất cao, dẫn đến các hộ dân sử dụng đất sai mục đích, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Đề nghị quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có giải pháp đối với các đối tượng nêu trên để đảm bảo quyền và lợi ích của người sử dụng được đảm bảo, đúng mục đích (Cử tri huyện Tân Lạc)

Trả lời: Ngày 09/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 326/QĐ-TTg phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phê duyệt tại Quyết định số 1648/QĐ-TTg ngày 20/12/2023; Quyết định số 227/QĐ-TTg ngày 12/3/2024 điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022. Hiện nay, huyện Tân Lạc đang thực hiện lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030. Để có cơ sở thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo ý kiến của cử tri huyện Tân Lạc. Ủy ban nhân dân tỉnh giao UBND huyện Tân Lạc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ tại Thông báo số 4692/TB-VPUBND ngày 31/5/2024 của Văn phòng UBND tỉnh để cân đối chỉ tiêu đất ở tại các xã, thị trấn; đề xuất điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất huyện Tân Lạc thời kỳ 2021-2030, bổ sung kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện làm cơ sở chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân theo quy định./.