DetailController

Kinh tế

Kết quả chuyển đổ số trên địa bàn tỉnh năm 2022

06/12/2022 00:00
Năm 2022, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã được tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt. Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, chính sách và hạ tầng số, cơ sở dữ liệu số; tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Qua đó, nhận thức của các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số được nâng lên rõ rệt, tạo nền tảng để tổ chức triển khai thực hiện công cuộc chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

Hạ tầng số được đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp. Từ  01/01/2022 đến nay, tỉnh đã phát triển 57 vị trí trạm thu phát sóng di động (Trạm BTS), nâng tổng số vị trí trạm BTS lên 1.360 vị trí với 3.236 trạm. Cụ thể có 853 trạm 2G, 1.207 trạm 3G, 1.176 trạm 4G; đảm bảo phủ sóng đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và hầu hết các thôn, bản, cụm dân cư. Tỷ lệ dân số được phủ sóng thông tin di động đạt 99,6% thôn, bản, cụm dân cư. Từ đầu năm 2022, Mạng Truyền số liệu chuyên dùng cấp II đã được triển khai đến tất cả tại các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã phục vụ cho việc thiết lập kênh truyền riêng phục vụ vận hành các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được thông suốt, an toàn, bảo mật. Hệ thống hội nghị truyền hình được kết nối xuyên suốt từ cấp tỉnh đến 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh để đáp ứng yêu cầu tổ chức các cuộc họp từ 4 cấp chính quyền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) được duy trì hoạt động ổn định phục vụ kết nối, liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin. Đến thời điểm hiện tại đã kết nối chính thức được 9/17 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và 8/17 hệ thống đang thực hiện kết nối thử nghiệm. Các cơ sở dữ liệu được kết nối gồm: Lý lịch tư pháp; Đăng ký kinh doanh; Hộ tịch; Cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách; Bảo hiểm xã hội; Danh mục dùng chung; cơ sở dữ liệu Quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật; Thanh toán dịch vụ công; Hệ thống mã bưu chính VpostCode.trên nay.

Năm 2022, Trên toàn tỉnh đã thành lập 1.482 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xóm, 151 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với gần 13.000 thành viên, là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân, đưa người dân lên nền tảng số, người dân tiên phong sử dụng để thúc đẩy, dẫn dắt chính quyền.

Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công viên chức sử dụng thành thạo công cụ số trong xử lý công việc nội bộ và cung cấp dịch vụ số thì người dân cũng cần được hướng dẫn, đào tạo để có kỹ năng, thói quen sử dụng dịch vụ công, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực số. Bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, tỉnh còn chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại để hình thành đội ngũ cán bộ  đủ về số lượng và đáp ứng yêu cầu về trình độ chất lượng cao về công nghệ. Đến nay, hầu hết các huyện, thành phố đã tổ chức các Hội nghị, lớp bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin cho các phòng chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn. Trong tháng 9, tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Ứng cứu không gian mạng Việt Nam (Vncert/CC) tổ chức 1 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho Đội Ứng cứu sự cố an toàn, an ninh thông tin tỉnh với 41 học viên; Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục Chuyển đổi số - Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Chương trình bồi dưỡng, tấp huấn, cung cấp thông tin về chuyển đổi số cho các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh theo chương trình của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tháng 11, tỉnh tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần An toàn thông tin CYRADAR tổ chức 1 cuộc diễn tập ứng cứu sự cố cho cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan nhà nước đang được giao vận hành các hệ thống thông tin nhằm đảm bảo khả năng phòng, chống, xử lý các nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin.

Toàn tỉnh hiện có 83 hệ thống thông tin do các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quản lý, vận hành được phân loại cấp độ an toàn thông tin cấp độ 2 và cấp độ 3. Kết quả, có 38 hệ thống đã được phê duyệt cấp độ và 45 hệ thống đang phân loại lập hồ sơ, dự kiến sẽ phê duyệt cấp độ trong Quý I/2023. Trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận xảy ra 20 sự cố mất an toàn, an ninh thông tin. Do được phát hiện, xử lý kịp thời nên chưa xảy ra thiệt hại lớn đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên môi trường mạng.

Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của tỉnh được duy trì hoạt động ổn định. Đến nay đã triển khai cung cấp 1.623 DVCTT. Trong đó có 621 DVCTT mức độ 3, 1.002 DVCTT mức độ 4. Ngoài ra Cổng DVCTT của tỉnh đã được kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, cung cấp, công khai 1.384 DVCTT trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt chỉ tiêu tích hợp 70%. Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 16/11/2022, Cổng DVCTT của tỉnh đã tiếp nhận 391.333 hồ sơ. Đã giải quyết 404.612 hồ sơ, đã giải quyết đúng hạn đạt 97% hồ sơ và đang giải quyết 2,27%.

Kinh tế số được đẩy mạnh và triển khai rộng khắp các lĩnh vực kinh tế. Đặc biệt kinh tế số nông nghiệp nông thôn tiếp tục duy trì phát triển nhanh và bền vững trên sàn thương mại điện tử Portmart.vn và Voso.vn. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông tại địa chỉ: https://tmdt.mic.gov.vn/bao-cao-thong-ke, đến ngày 20/11/2022, Hoà Bình có 4.195 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 04/25 các tỉnh miền bắc và đứng thứ 05 toàn quốc; có 12.345 giao dịch thành công đứng thứ 18/25 các tỉnh miền bắc và đứng thứ 28 toàn quốc. Việc phát triển kinh tế số đã dần thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc./.