DetailController

Văn hóa

Kết quả 5 năm thực hiện Quy chế dân chủ trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2013 – 2017

14/12/2017 00:00
Sau 05 năm triển khai thực hiện Quyết định số 750-QĐ/TU, ngày 15/01/2013 về ban hành Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2013 - 2017, các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các văn bản triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó có Đề án 750; đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu Đề án 750 đề ra.

Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ các cấp, các cơ quan, đơn vị đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Thường xuyên kiện toàn, bổ sung, điều chỉnh khi có thay đổi về nhân sự; xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ, phát huy, nâng cao trách nhiệm cho từng thành viên; xây dựng chương trình công tác, kế hoạch thực hiện dân chủ ở cơ sở hàng năm. Định kỳ 6 tháng, 1 năm, tham mưu cấp ủy các cấp tổ chức sơ, tổng kết hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp.

Trong giai đoạn 2013 - 2017, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ tỉnh đã tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy thành lập 10 đoàn kiểm tra do các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ làm trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra 14 cuộc đối với cấp huyện và 22 cuộc đối với các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh. Công tác sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án 750 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định.

Trong quá trình thực hiện, cơ quan, đơn vị đã gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chế độ “Một cửa”, “Một cửa liên thông” nhằm giải quyết nhanh nhất yêu cầu của công dân và doanh nghiệp. Các cơ quan, đơn vị bố trí phòng tiếp dân, có lịch làm việc cum thể, sơ đồ chỉ dẫn nơi làm việc, công khai hòm thư góp ý để nhân dân thuận tiện khi giao dịch. Quy trình tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được cải tiến, đã tổ chức tiếp dân trực tuyến, đối thoại công khai, dân chủ giữa các bên,... Từ đó, các cấp, ngành đã nhận thức rõ hơn trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc thực hiện dân chủ. Quyền làm chủ của nhân dân được đảm bảo và phát huy rõ nét hơn.

Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị đã xây dựng và ban hành các quy chế, quy định cụ thể hóa việc thực hiện các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan. Định kỳ rà soát, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Duy trì chế độ hội ý, họp giao ban định kỳ để thống nhất triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra.

Hằng năm, Ban Chấp hành Công đoàn đã phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Thông qua hội nghị, quyền được biết, được bàn, được kiểm tra của cán bộ, công chức, viên chức được phát huy hiệu quả. Tại nhiều cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn mạnh dạn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình với Thủ trưởng cơ quan, Ban Chấp hành Công đoàn như: Cần tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tham quan, học tập kinh nghiệm hoạt động của các đơn vị bạn theo hình thức “Cơ quan và cán bộ công chức cùng tham gia đóng góp kinh phí”,... Qua đó, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất và dân chủ; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức và người lao động trong việc giám sát các hoạt động của cơ quan, cùng nhau khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hiện nay đã có 100% các cơ quan, đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức (năm 2013 đạt 94,78%, từ năm 2014 đến nay đạt 100 %). Đến nay toàn tỉnh có 869 cơ quan, đơn vị có Ban thanh tra nhân dân đang hoạt động, trong đó có 475 đơn vị hoạt động tốt, 290 đơn vị hoạt động khá, 104 đơn vị hoạt động trung bình.

Thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ đã từng bước làm chuyển biến nhận thức của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cơ quan, đơn vị nhất là những việc liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Cán bộ, công chức, viên chức đã nhận thức rõ hơn quyền lợi và nghĩa vụ của mình, ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật được nâng lên. Phát huy sức mạnh của tập thể, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thực hiện tốt các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở, hạn chế việc chuyên quyền độc đoán, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, đơn thư khiếu nại, tố cáo, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa.