Theo đó, ngày 04/7/2024, tại Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quách Tất Liêm đã chủ trì hội nghị để nghe báo cáo về tình hình thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến ngày 30 tháng 6 năm 2024. Tham dự hội nghị có các đồng chí Lãnh đạo các Sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công thương, Lao động Thương binh và xã hội, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Dân tộc, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Trường Chính trị tỉnh, Kho bạc Nhà nước Hòa Bình, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh; Giám đốc các Ban quản lý dự án chuyên ngành của tỉnh (Dân dụng, Giao thông, Nông nghiệp), Ban Quản lý khu vực tỉnh; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố. Sau khi nghe Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Chủ đầu tư báo cáo tình hình thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến ngày 30 tháng 4 năm 2024; ý kiến tham gia của các đại biểu tham dự hội nghị; đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kết luận như sau:
Tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt rất thấp, số vốn đã giải ngân là 845 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ và đạt 23% Ủy ban nhân dân tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thiếu quan tâm chỉ đạo, chưa phối kết hợp giữa ngành và địa phương, các ban quản lý; công tác giải phóng mặt bằng chưa tốt, nhiều dự án không có mặt bằng thi công; một số chủ đầu tư còn thiếu sát sao trong chỉ đạo công tác, chưa sử dụng hết thẩm quyền của chủ đầu tư dẫn đến nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân vốn bằng 0%. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công dẫn đến làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Theo Kết luận số 997-KL/TU, ngày 12/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thì Kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước là căn cứ để đánh giá, bình xét thi đua của các cấp, các ngành và mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 của người đứng đầu. Vừa qua, ngày 02/7/2024 Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Công văn số 605-CV/TU ngày 02/7/2024 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, trong đó có nhấn mạnh: ”Trong trường hợp cần thiết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xem xét, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên theo đúng quy định tại Quyết định số 148-QĐ/TW, ngày 23/5/2024 của Ban Chấp hành Trung ương...”
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024, yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện các nội dung sau:
Đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 0%: Giao Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn phê bình, kiểm điểm trách nhiệm các chủ đầu tư, các tổ chức cá nhân có liên quan; đồng thời gửi Sở Nội vụ danh sách để tổng hợp đánh giá, bình xét thi đua của các cấp, các ngành và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 của người đứng đầu. Kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức các hội nghị giao ban thường xuyên để chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Giao Sở Xây dựng chủ trì tăng cường công tác thanh tra về quản lý nhà nước về xây dựng, xử lý các hành vi vi phạm theo Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, đồng thời phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan việc tổ chức bộ máy Ban quản lý trong việc bố trí sắp xếp cán bộ, viên chức đảm bảo tiêu chuẩn chuyên môn theo luật xây dựng, theo tiêu chuẩn vị trí việc làm và việc đánh giá phân loại cán bộ, viên chức, người lao động tại các đơn vị là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (được giao làm chủ đầu tư, hoặc đại diện chủ đầu tư đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp).
Đối với các dự án được phép kéo dài thời gian thực hiện giải ngân đến ngày 31/12/2024, các dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương, ngân sách trung ương và 18 dự án theo Công văn số 4848/BTC-ĐT ngày 10/5/2024 của Bộ Tài chính: Yêu cầu các Chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đảm bảo giải ngân 100% vốn đối với các dự án được phép kéo dài thời gian thực hiện giải ngân từ năm 2022 sang ngày 31/12/2024. Các Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, trong trường hợp không giải ngân hết để bị thu hồi vốn về ngân sách trung ương thì phải thực hiện kiểm điểm trách nhiệm, phê bình bằng văn bản đối với tập thể và cá nhân người đứng đầu đơn vị. Rà soát, kịp thời đề xuất điều chuyển vốn các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch đã được giao cho các dự án có khả năng tốt hơn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (gửi qua Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trước ngày 20/7/2024). Tăng cường quản lý Nhà nước về đầu tư và xây dựng của các ngành, các địa phương, các Ban quản lý để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án theo Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.
Đối với một số dự án sử dụng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 để hỗ trợ cho các đơn vị khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở: Yêu cầu các Chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai các công việc tiếp theo thực hiện dự án đảm bảo giải ngân 100% vốn đầu tư. Xây dựng kế hoạch với từng nội dung công việc, trong đó xác định rõ tiến độ chi tiết, trách nhiệm cuả các bên liên quan, định kỳ họp giao ban để rà soát tiến độ thực hiện các công việc, trường hợp có khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền thì kịp thời tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong đó, đối với dự án Khắc phục thiên tai, sạt lở Sông Bùi đoạn từ ngầm Nhà máy xi măng đi cầu Đồng Chúi, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn với số tiền là 105 tỷ đồng: Yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Lương Sơn tăng cường chỉ đạo bằng các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ GPMB, thi công nghiệm thu và thanh toán.
Đối với các dự án lớn, dự án trọng điểm: Các dự án thuộc Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025: Giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung công việc, trong đó xác định rõ tiến độ chi tiết, tăng cường quản lý nhà nước về xây dựng hơn nữa, phối hợp tốt giữa các bên có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiên độ thi công và giải ngân đạt 100%.
Dự án đầu tư đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19 đến Km53 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) và Dự án Đường Liên kết Vùng Hòa Bình-Hà Nội và Cao tốc Sơn La (Hòa Bình-Mộc Châu): Giao Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Các Công trình Giao thông tỉnh Hòa Bình căn cứ vào các Thông báo kết luận, các công văn chỉ đạo của UBND tỉnh đối với từng dự án, tiếp tục triển khai thực hiện, bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án. Trường hợp có khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền thì kịp thời tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng (bao gồm cả các dự án của Trung ương đầu tư tại tỉnh): Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, đây là khâu ách tắc nhất, phần lớn do chủ quan chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo quá trình thực hiện còn thiếu linh hoạt, chưa áp dụng hết các quy định của nhà nước, công tác phối hợp giữa các bên có liên quan chưa chặt chẽ do vậy khẩn trương tập trung lãnh đạo chỉ đạo các cấp, các ngành của huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để người dân hiểu và đồng thuận với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện công tác đo đạc bản đồ, thông báo thu hồi đất, kiểm đếm, lập phương án để công khai, trên cơ sở đó giải quyết dứt điểm các kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Trong trường hợp cần thiết phải tổ chức kiểm đếm bắt buộc, bảo vệ thi công, cưỡng chế, thì phải sớm có kế hoạch cụ thể, đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước. Rà soát, tổng hợp các hộ dân có nhu cầu tái định cư, xem xét xây dựng phương án bố trí khu vực tái định cư cho nhân dân theo đúng quy định của Pháp luật.
Về việc nhập dữ liệu trong hệ thống TABMIS: Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành việc nhập dữ liệu vốn đầu tư trong hệ thống TABMIS đối với tất cả các nguồn vốn theo kế hoạch năm 2024 xong trước ngày 15/7/2024, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong trường hợp để sảy ra chậm chễ trong quá trình nhập dữ liệu, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (riêng tiền sử dụng đất thực hiện theo nhu cầu đề xuất của Chủ đầu tư trên cơ sở kế hoạch vốn đầu tư năm 2024 đã giao).
Đối với các dự án cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư: Yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư) để thẩm định làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các chủ đầu tư: Tăng cường thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 theo đúng chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Công văn số 605-CV/TU ngày 02/7/2024, đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, cụ thể như sau:
Đến 30/9/2024 đạt 70% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Đến 30/11/2024 đạt 90% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Đến 30/01/2025 đạt 100% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Căn cứ vào kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ báo cáo Ban cán sự Đảng ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xem xét, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên theo đúng tinh thần tại Công văn số 605-CV/TU ngày 02/7/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh thông báo để các cơ quan, đơn vị có liên quan biết, nghiêm túc thực hiện./.