DetailController

Văn hóa

Kế thừa và phát huy trò chơi - đồng dao của người Việt

23/05/2011 00:00
Hoạt động vui chơi là nhu cầu cần thiết, không thể thiếu trong cuộc sống của con người ở mọi lứa tuổi, mọi thời đại. Với nhu cầu đó, từ ngàn xưa, cha ông chúng ta đã sáng tạo nên nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó có các bài hát gắn liền với hoạt động vui chơi của trẻ em, đó chính là những bài hát - trò chơi đồng dao...
Các em thiếu nhi chơi trò "Rồng rắn lên mây".

Với không gian và môi trường của xã hội nông nghiệp, từ khi sinh ra, lớn lên và trưởng thành, những người dân xưa luôn gắn bó với những lời hát ru ngọt ngào, những khúc đồng dao mộc mạc giản dị nhưng cũng hàm chứa biết bao tri thức, kinh nghiệm quý báu và cả những ứng xử văn hóa rất tinh tế của cha ông. Hành trang văn hóa ấy luôn thấm đẫm trong tâm thức của những người dân Việt Nam chăm chỉ, hiền lành và đầy lòng nhân hậu. Tiếc rằng cho đến nay, trong khi nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian khác đã được sưu tầm, biên soạn, điều tra, nghiên cứu và phát huy, thì trò chơi - đồng dao vốn mang những giá trị quý báu trong việc giáo dục và phát triển tâm lý, tính cách cho trẻ em lại ít được các nhà Folklore học quan tâm, càng ít được các nhà Sư phạm học chú ý nghiên cứu, khai thác và đặc biệt là ứng dụng... Các công trình về đồng dao phần lớn nặng về ghi chép, biên soạn, phần khảo cứu chưa nhiều, chưa được thực hiện một cách bài bản. Có lẽ một phần vì đồng dao gắn với trò chơi con trẻ, chủ yếu ở các làng quê, trong khi dưới chế độ mới, trẻ thơ đều được đến trường với một chương trình giáo dưỡng theo quy chuẩn. Cũng có quan niệm cho rằng, đồng dao nay đã lạc hậu, lỗi thời, không phù hợp với xã hội hiện đại. Cho đến nay, vẫn có nhiều quan niệm khác nhau của các nhà khoa học về vấn đề này.

Trò chơi nói chung và trò chơi - đồng dao nói riêng có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong việc giáo dục và phát triển toàn diện cho trẻ. Thông qua hoạt động vui chơi, trẻ em sẽ được tập làm quen với các tình huống và kỹ năng trong cuộc sống sau này. Những cảm xúc đa dạng, những mối quan hệ, quy tắc trong ứng xử, giao tiếp hay các trải nghiệm phong phú, đa dạng của cuộc sống thông qua các trò chơi, đặc biệt là các trò chơi - đồng dao không chỉ hằng ngày, hằng giờ bồi đắp đời sống tinh thần và hoàn thiện các chức năng tâm, sinh lý cho các em mà còn tạo nên khả năng tự điều chỉnh, sự thích ứng nhanh và những ứng xử văn hóa trong môi trường tập thể, cộng đồng và xã hội. Chính vì nhận thức được vai trò và giá trị độc đáo của những khúc đồng dao xưa mà trong nhiều thập niên gần đây đã xuất hiện những sáng tác, biên soạn, tuy không nhiều, của một số tác giả dựa trên chất liệu của những khúc đồng dao. Những sáng tác này đã và đang được đông đảo trẻ em hào hứng đón nhận. Những nội dung, hình ảnh, nhịp điệu, không gian vui chơi trong các bài hát, trò chơi - đồng dao 'mới' đã có ý nghĩa, vai trò quan trọng giúp trẻ em hoàn thiện các chức năng tâm, sinh lý và quá trình hình thành, phát triển nhân cách toàn diện. Môi trường vui chơi, thực hành của trẻ trong những trò chơi - đồng dao cũng chính là một môi trường trao truyền cho các em giá trị văn hóa của cộng đồng phong phú, đa dạng và linh hoạt.

Với sự thay đổi của thời gian và không gian văn hóa, trò chơi  - đồng dao ngày nay cần có những thể loại và 'sắc thái' mới, đa dạng, phù hợp với các đặc điểm tâm, sinh lý, môi trường sinh hoạt và học tập, đồng thời cũng là trường học của cuộc sống thì mới thực sự đáp ứng, thỏa mãn các nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ. Nội dung, yêu cầu và hình thức của các trò chơi phải phong phú, thỏa mãn nhu cầu phát triển  nhiều mặt cho các em. Mỗi trò chơi phải như mở ra trước mắt trẻ những không gian vui chơi mới lạ, hấp dẫn, những sự trải nghiệm đa dạng, độc đáo để thu hút trẻ tích cực và hào hứng khi tham gia vào các hoạt động vui chơi, đồng thời cũng kích thích sự chủ động, phát huy trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của trẻ. Thông qua các trò chơi - đồng dao, đặc biệt là các trò chơi phát triển khả năng thực hành nghệ thuật, trẻ cũng sẽ thể hiện lòng yêu thích cái đẹp và năng khiếu làm ra cái đẹp, từ đó trẻ sẽ có được các định hướng về giá trị thẩm mỹ trong cuộc sống. Tạo điều kiện cho trẻ chơi là mở những con đường để trẻ có thể phát triển một cách tự nhiên nhất. Ngày nay, trước yêu cầu của thực tiễn xã hội, việc nghiên cứu, tìm hiểu, lựa chọn, khai thác và phát huy những mô-típ, những hình ảnh và chất liệu còn phù hợp với sự phát triển theo độ tuổi của trẻ trong không gian của xã hội đương đại là một vấn đề cần có sự quan tâm, nghiên cứu, đầu tư thích đáng. Ðây chính là việc giải cấu trúc và tái cấu trúc các hiện tượng  văn hóa dân gian, và cũng là giải pháp bảo tồn thể loại trò chơi - đồng dao xưa trong không gian văn hóa đương đại. Việc khai thác và phát huy các di sản văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc sẽ góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển của đất nước khi giao lưu và hội nhập trong khu vực và quốc tế.

Chính vì thế thiết nghĩ, chúng ta cần hướng tới việc phát huy những giá trị độc đáo của trò chơi - đồng dao trên cơ sở kế thừa, khai thác một cách sáng tạo và hiệu quả các chất liệu, các mô-típ tiêu biểu của trò chơi - đồng dao xưa, kết hợp hài hòa các giá trị ấy trong những yếu tố mới để phát huy tối đa vai trò giáo dục và phát triển toàn diện cho trẻ, phù hợp với những điều kiện môi trường vui chơi tập thể và hoạt động giáo dục trong các nhà trường hiện nay; giữ vững chức năng các giá trị văn hóa trong cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, cần bảo đảm và tuân theo các tính chất đặc trưng của thể loại như: luôn có sự kết hợp giữa lời ca và vận động (hành động chơi), phát huy tối đa tính chủ động, tích cực và sáng tạo của các em khi tham gia vào quá trình chơi, nhất là ở các trò chơi có sự kết hợp hài hòa các yếu tố cấu thành có giai điệu âm nhạc. Ðồng thời phải bảo đảm phù hợp, an toàn và tính thẩm mỹ về các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện, nhạc cụ và các đồ dùng khác. Từ đó tạo cơ hội cho các em thể hiện khả năng tư duy, vận động, trình diễn trong việc chủ động phối kết hợp với các bạn, đồng thời cũng nâng cao  tính thích ứng và khả năng tương tác trong tập thể của trẻ trong khi chơi.

Hiện tại, một số nhà văn hóa, bảo tàng dân tộc, sở giáo dục và đào tạo của một số địa phương đã chỉ đạo các câu lạc bộ, các nhà trường tích cực đưa những trò chơi dân gian, bài hát và trò chơi - đồng dao vào nội dung giáo dục và các hoạt động vui chơi, nhưng số lượng chưa nhiều và cũng chưa rộng rãi. Do đó, việc nghiên cứu, biên soạn và triển khai các trò chơi - đồng dao để bổ sung vào nội dung vui chơi cho trẻ em hiện nay là một việc làm cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục và xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn.