DetailController

Công khai ngân sách nhà nước

Kế hoạch sử dụng ngân sách Nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả năm 2024

04/06/2024 16:45
Ngày 03/6, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND về sử dụng ngân sách Nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư, bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương, phòng thiên tai, dịch bệnh và phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh yêu cầu tăng cường công tác quản lý chi tiêu NSNN, thực hành tiết kiệm góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tạo chuyển biến mạnh mẽ, hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý tài chính NSNN; hiệu quả sử dụng vốn NSNN; quản lý chi NSNN theo kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. 

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai các nhóm giải pháp trọng tâm sau:

Về chi đầu tư phát triển:

UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố: Căn cứ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 được UBND tỉnh giao, Giám đốc các sở, ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư công, Luật NSNN. Thực hiện phân bổ vốn đầu tư công bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên theo quy định, nhất là các công trình giao thông quan trọng mang tính đột phá trong phát triển kinh tế xã hội; đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; xây dựng tu bổ các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả lũ lụt, dự án di dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu công đi đôi với đảm bảo chất lượng công trình.

Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các đơn vị có liên quan thực hiện việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành theo đúng quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công và Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ Tài chính quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán, rà soát các dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư công đã hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng chưa thực hiện quyết toán (đặc biệt là các dự án đã hoàn thành, chậm lập quyết toán); xác định rõ nguyên nhân chậm lập quyết toán, những khó khăn vướng mắc cụ thể của từng dự án, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân có liên quan, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp xử lý, báo cáo người quyết định đầu tư xem xét xử lý dứt điểm theo quy định.

UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình; đối với những dự án, công trình thực hiện không đúng tiến độ báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh để chuyển vốn cho những dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm 2024 nhưng chưa được bố trí đủ vốn, trong đó tập trung cho các công trình đã đăng ký hoàn thành trong năm 2024, bảo đảm hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư công.

Thẩm tra, phê duyệt quyết toán rà soát, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc lập, thẩm định quyết toán dự án hoàn thành đảm bảo theo đúng quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ và Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ Tài chính, thuộc phạm vi quản lý sau ngày 01/01/2024. Không để tình trạng tồn đọng các dự án đầu tư công đã hoàn thành nhưng chậm phê duyệt quyết toán; khắc phục tình trạng tạm ứng vốn lớn, tạm ứng chậm thu hồi.

Về chi thường xuyên

UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố: Tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, bám sát dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai,... dành nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thực hiện các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII. Thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, tránh tình trạng chi không đúng nguồn kinh phí, mua sắm vượt nhu cầu, gây lãng phí NSNN. Trong đó quan tâm thực hiện:

Giảm các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác trong và ngoài nước nước, nhất là nghiên cứu, khảo sát nước ngoài.

Cắt giảm, tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm dự toán chi thường xuyên so với dự toán được giao để tăng đầu tư cho hạ tầng chiến lược, y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu và an sinh xã hội theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 04/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, đảm bảo tiết kiệm.

Chủ động sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn của từng ngành, từng đơn vị để giảm chi thường xuyên và cơ cấu lại NSNN.

Chủ động sử dụng nguồn dự phòng, quỹ dự trữ tài chính để xử lý các nhiệm vụ chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định. Trường hợp thu ngân sách không đạt dự toán thì phải chủ động sắp xếp, cắt, giảm, giãn các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán và sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp theo quy định của Luật NSNN.

Xử lý số dư, chuyển nguồn, quyết toán các nhiệm vụ chi thường xuyên NSNN theo đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn; không chuyển nguồn sang năm sau đối với các khoản kinh phí đã hết nhiệm vụ chi hoặc hết thời gian giải ngân để giảm bội chi NSNN; rà soát để thu hồi các khoản tạm ứng chi ngân sách kéo dài nhiều năm đã hết thời gian thực hiện theo quy định.

Thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán, đặc biệt các kết luận tồn đọng chưa thực hiện từ năm 2022 trở về trước. Xử lý kịp thời, đầy đủ những sai phạm được phát hiện qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân và thực hiện chế độ trách nhiệm đối với thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách trong quản lý điều hành ngân sách khi để xảy ra thất thoát, lãng phí, sử dụng ngân sách sai chế độ, chính sách.

UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp các Sở, ban, ngành: Rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức sử dụng NSNN, tài sản công phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý; xác định đầy đủ các khoản chi thường xuyên vào định mức chi quản lý hành chính của cơ quan, đơn vị, đảm bảo yêu cầu triệt để tiết kiệm.

Tham mưu cấp thẩm quyền sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thật sự bức xúc, cần thiết, phát sinh ngoài dự toán theo thẩm quyền; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu, đảm bảo đúng chính sách, chế độ quy định. Cắt giảm, tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên so với dự toán được giao để tăng đầu tư cho hạ tầng chiến lược, y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu và an sinh xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 04/01/2024 (sau khi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính có hướng dẫn thực hiện).

Theo dõi, đôn đốc thực hiện Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 08/6/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chuyển đổi nâng cao mức độ tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, giai đoạn 2023-2025. Phối hợp Sở Nội vụ tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Thực hiện công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước trên địa bàn tỉnh. Lập báo cáo tình hình số liệu xử lý sau thanh tra, kiểm toán, thực hiện  kiến nghị, xử lý thu nộp NSNN tại các cơ quan, đơn vị theo từng tháng, quí, năm. Đề xuất biện pháp xử lý những vấn đề còn tồn tại và vướng mắc của các đơn vị khi thực hiện kiến nghị của thanh tra Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước.

UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm Kế hoạch này:

Giao Sở Tài chính, Thanh tra tỉnh, Sở Nội vụ chủ trì phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch này. Lồng ghép vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, định kỳ hàng quý, 6 tháng và cả năm, báo cáo UBND tỉnh./.