DetailController

Tin từ các đơn vị

Huyện Kim Bôi: Triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, đồng hành với nông dân người dân tộc thiểu số trong sản xuất nông nghiệp

10/01/2024 16:30
Những năm qua, huyện Kim Bôi đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, đồng hành với nông dân người dân tộc thiểu số trong sản xuất nông nghiệp.
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân tại huyện Kim Bôi

Cụ thể, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2022 – 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Kim Bôi đã có 232 máy nông nghiệp được bàn giao cho các hộ tại các xã, thị trấn với tổng giá trị khoảng 2,32 tỷ đồng. Các loại máy móc nông nghiệp trên đã hỗ trợ rất lớn cho nông dân trong sản xuất, góp phần giảm chi phí sản xuất, giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất trên cùng một diện tích canh tác và thu nhập cho nông dân.

Ông Bùi Văn Ánh, xóm Đồi 2, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi phấn khởi nói: "Nhà tôi thuộc hộ nghèo của xã. Trước đây, khi bắt đầu vào vụ ngô, vụ lúa, gia đình tôi thường sử dụng trâu để cày bừa tốn rất nhiều thời gian và công sức. Nhờ hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi đã được cấp chiếc máy cày mới trị giá 10 triệu đồng để phục vụ sản xuất. Đây là động lực lớn để gia đình nỗ lực lao động, tăng hiệu quả sản xuất. Với chiếc máy này, giúp gia đình tôi giảm công sức lao động, đất được cày bằng máy nên tơi xốp hơn, nhờ đó mà năng suất lúa, ngô cũng cao hơn".

Anh Quách Hưng Thịnh, xóm Sào, xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi bộc bạch: "Trước đây, gia đình tôi phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện các khâu từ cày, xới đất, cắt lúa,... Hiện nay, mọi công đoạn đều được ứng dụng cơ giới hóa. Việc đưa máy móc vào đồng ruộng giúp giảm chi phí, nhân lực và nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác cho gia đình".

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Tất Thắng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi thông tin, Kim Bôi có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 86% dân số, chủ yếu là người Mường, Dao, Tày… có 7 xã thuộc khu vực III, 6 xã khu vực II, 4 xã, thị trấn thuộc khu vực I và 21 thôn, xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Để nông dân người dân tộc thiểu số đảm bảo sử dụng hiệu quả, tăng thu nhập từ thiết bị, máy móc được hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp, hàng năm, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân tộc thiểu số tại các xã, thị trấn phát huy nội lực để lao động, sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đồng thời, lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới cùng nhiều chương trình, đề án khác đã được Chính phủ phê duyệt thực hiện đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi để hỗ trợ nguồn lực, cây, con giống, trang thiết bị, máy nông nghiệp, bồi dưỡng kiến thức để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước cải thiện thu nhập và ổn định đời sống.

Ông Nguyễn Việt Hòa, Trưởng phòng Dân tộc huyện Kim Bôi cho biết, trước đây, bà con vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện quen với hình thức canh tác lạc hậu, chủ yếu làm thủ công, nhỏ lẻ nên tốn nhiều công sức, hiệu quả kinh tế không cao. Tình trạng đó đã được khắc phục kể từ khi huyện thực hiện dự án cấp máy nông nghiệp cho nông dân.

"Nhiều hộ đã tiếp thu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, chuyển từ hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mao địa phương", Trưởng phòng Dân tộc huyện Kim Bôi cho hay./.