DetailController

Tin từ các đơn vị

Huyện Đà Bắc: Thúc đẩy mạnh mẽ nghề nuôi cá lồng sạch kết hợp du lịch trên lòng hồ sông Đà

05/04/2024 16:02
Huyện Đà Bắc có lợi thế trên 7.000 ha mặt hồ, nhiều xã nằm trong quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đà Bắc xác định, phát triển nông - lâm nghiệp bền vững gắn với du lịch, dịch vụ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Từ đó, huyện đã đẩy mạnh quảng bá du lịch nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước.
Tận dụng tiềm năng về nguồn thủy sản phong phú, đa dạng, huyện Đà Bắc đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển nghề nuôi cá lồng.

Nhiều năm qua, với tiềm năng, lợi thế diện tích mặt nước lớn, vùng lòng hồ sông Đà được đánh giá là một trong những nơi có tỷ trọng phát triển thủy sản cao của ngành nông nghiệp Hòa Bình. Đặc biệt, tại huyện vùng cao Đà Bắc đã triển khai thúc đẩy mạnh mẽ nghề nuôi cá lồng sạch đạt thương hiệu sản phẩm OCOP, kết hợp phát triển các dịch vụ du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng góp phần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống. Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành các chính sách để thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản như: Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 13/6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nuôi cá lồng, bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2014 - 2020; Quyết định số 10/QĐ-UBND, ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh về việc quy định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định số 1354/QĐ-UBND, ngày 5/7/2021 ban hành kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg, ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Năm 2023, du lịch trên địa bàn huyện Đà Bắc tiếp tục khởi sắc với nhiều dịch vụ phong phú, gắn với việc gìn giữ các văn hóa dân tộc. Hiện, toàn huyện có 30 cơ sở lưu trú gồm: 18 homestay, 11 nhà nghỉ, 1 khách sạn 2 sao đã đón trên 170.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; trong đó, khách du lịch nội địa hơn 166 nghìn lượt, trên 4 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, đem lại doanh thu ước đạt 80 tỷ đồng.

Hiện trên địa bàn huyện Đà Bắc có 1.066 lồng cá của 522 hộ dân, sản lượng hàng năm đạt trên 1.000 tấn, mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng. Đến nay, các xã vùng ven hồ Hòa Bình trong huyện tiếp tục duy trì, phát triển mạnh việc nuôi cá lồng, tăng cường chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá. Các loài cá đặc sản đang được nuôi trồng nhiều ở địa phương hiện nay như lăng đen, lăng nha, lăng vàng, trắm đen, chiên... Để giúp người dân vùng hồ có kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá để phát triển nuôi bền vững, hạn chế rủi ro, các địa phương có diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của huyện, tỉnh tổ chức các lớp dạy nghề nuôi cá lồng, hướng dẫn kỹ thuật. Đồng thời, để phát triển, chế biến sản phẩm cá đạt chất lượng chuẩn OCOP (mỗi xã một sản phẩm), VietGAP và đứng vững trên thị trường, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng chuỗi giá trị trong nuôi trồng và sản xuất. Điểm sáng trong phát triển nghề nuôi cá lồng sạch phải kể đến huyện Đà Bắc, chính quyền và người dân đã cùng nhau đầu tư khá lớn để xây dựng trang trại nuôi có quy mô và bài bản. Các hộ nuôi cũng đã đầu tư, nâng cấp lồng nuôi loại mới với lồng lưới có thể tích lớn, cung cấp hàng nghìn tấn cá thương phẩm ra thị trường.

Những năm qua, chính quyền tỉnh Hòa Bình đã triển khai hiệu quả chính sách, định hướng nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản và sản phẩm từ cá, tôm sông Đà; đẩy mạnh quảng bá, khẳng định thương hiệu, gắn với sản phẩm nông nghiệp là quyền chủ sở hữu 2 nhãn hiệu đặc sản "Tôm sông Đà Hòa Bình” và "Cá sông Đà Hòa Bình”. Cùng đó, kết hợp triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, đặc biệt chú trọng quảng bá, kích cầu du lịch nhằm thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Lường Văn Thi cho biết, để phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, huyện đã đẩy mạnh đầu tư lớn, xây dựng những trang trại nuôi cá có quy mô và bài bản. Với những hộ nuôi gia đình, hiện đa số cũng đã đầu tư, nâng cấp dùng lồng nuôi loại mới là lồng lưới có thể tích lớn cung cấp hàng trăm tấn cá thương phẩm ra thị trường. Đồng thời tăng cường nhiều hoạt động về sự kiện văn hóa, du lịch đặc sắc như: trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, hàng hóa địa phương; tổ chức giải bơi thuyền kayak và đi bộ trên cung đường du lịch ven hồ. Qua đó, nhiều doanh nghiệp, du khách đã biết đến thương hiệu cá sông Đà, cũng như được trải nghiệm, tìm hiểu về con người và những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Đà Bắc.

Tại xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc có 5/7 xóm tiếp giáp với vùng lòng hồ Sông Đà. Tận dụng tiềm năng về nguồn thủy sản phong phú, đa dạng, cấp ủy, chính quyền xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển nghề nuôi cá lồng. Theo đó, toàn xã hiện có trên 300 hộ nuôi thủy sản; trong đó 10 hộ nuôi cá lồng theo quy mô lớn, sản xuất tập trung.

Hợp tác xã Đà Giang Eco (Đà Bắc) là cơ sở nuôi và chế biến cá sạch được thành lập từ đầu năm 2023 đến nay đã đầu tư phát triển với trên 40 lồng nuôi cá. Quy mô 10 thành viên và trên 100 hộ chăn nuôi “vệ tinh” đã tạo nên nguồn cung dồi dào cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn. Từ khi thành lập đến nay, Hợp tác xã đã cung ứng gần 15 tấn cá ra thị trường tiêu thụ trên địa bàn và các vùng lân cận.

Theo anh Xa Ngọc Hưng, Giám đốc Hợp tác xã Đà Giang, xã Tiền Phong cho biết: Hiện tại Hợp tác xã định hướng triển khai phát triển nghề nuôi trồng thủy sản gắn với du lịch. Qua đó, triển khai mở rộng quy mô lồng cá, nhà bè, cải tạo lồng bè để đưa khách du lịch đến tham quan trải nghiệm mô hình nuôi cá. Cùng với việc đẩy mạnh phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, Hợp tác xã Đà Giang Eco tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ với nhiều mẫu mã, sản phẩm được chế biến từ cá sông Đà. Theo đó, sản phẩm được sơ chế, chế biến và bán tại cửa hàng, siêu thị tại các thành phố lớn. Một số sản phẩm tiêu biểu như cá tép chiến, cá kho… mang hương vị đặc trưng của vùng miền. Qua đó đã góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Xa Văn Thủy, thành viên Hợp tác xã Đà Giang, xã Tiền Phong cho biết, từ khi tham gia Hợp tác xã, ông đã nắm bắt được các kỹ thuật về chăn nuôi, được tham gia đóng góp tích cực vào định hướng phát triển nghề nuôi cá lồng của địa phương. Qua đó, có thu nhập ổn định và có hướng đầu tư ngành nghề kết hợp này với các dịch vụ du lịch như tham quan, câu cá... tại hộ gia đình.  

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Bùi Văn Ánh nhấn mạnh, địa phương có tiềm năng lớn về phát triển thủy sản và sản phẩm về cá đã được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh nghề nuôi cá lồng sạch gắn với phát triển du lịch, để du khách biết đến nhiều hơn về các sản phẩm thủy sản cũng như văn hóa con người của xã Tiền Phong. Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và nguồn thủy sản phong phú, đa dạng trên vùng hồ thuỷ điện Hoà Bình hiện có gần 5.000 lồng nuôi cá, sản lượng trung bình hàng năm đạt gần 10 nghìn tấn. Nuôi cá lồng gắn với phát triển du lịch hiện là hướng đi nhiều hộ dân hướng tới nhằm đánh thức tiềm năng, thế mạnh vùng lòng hồ Hoà Bình.

Ông Nguyễn Huy Nhuận - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình nêu rõ, để vừa phát triển bền vững ngành thuỷ sản vừa phục vụ phát triển du lịch vùng hồ, ngành nông nghiệp Hòa Bình tăng cường hướng dẫn các hộ nuôi cá lồng, hợp tác xã tiếp tục phát triển chăn nuôi hiệu quả loài thuỷ sản có giá trị kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Trong số đó, tập trung vào các loại cá đặc sản vùng hồ, áp dụng quy trình nuôi trồng VietGAP, thuỷ sản hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thuỷ sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng, giảm chi phí. Đồng thời, hướng tới phát triển nuôi trồng các loài thuỷ sản mục đích làm cảnh, giải trí ở khu đô thị, khu du lịch; khuyến khích, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thuỷ sản gắn với du lịch, các hoạt động giáo dục, du lịch sinh thái, tham quan trải nghiệm./.