Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong đã chỉ đạo các ngành và UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, quán triệt, phổ biến chủ trương, quan điểm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện về định hướng phát triển, tái canh cây cam đến mọi tầng lớp Nhân dân, đối tượng trực tiếp thụ hưởng. Tuyên truyền, vận động người sản xuất trong vùng quy hoạch sản xuất cây cam có vườn cuối chu kỳ, đã thoái hóa thực hiện các giải pháp phục hồi đất, trồng tái canh; không trồng các loại cây lâu năm khác để đảm bảo vùng trồng cam tập trung, đồng nhất. Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tái canh đồng bộ từ cấp xã đến huyện đảm bảo sự đồng thuận của người dân, nghiên cứu, tổ chức thực hiện các loại hình sinh kế giúp ổn định cuộc sống của người dân trong quá trình thực hiện tái canh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động kết nối, hỗ trợ giao thương nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả có múi.
Trong số 1.500 ha thực hiện tái canh, Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình được giao thực hiện 500ha, tuy nhiên hiện nay quy hoạch cụm công nghiệp và các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác sẽ làm giảm còn 318,4ha, trong đó 211,3ha là diện tích cam, quýt đang trong giai đoạn kinh doanh, còn lại 107,1 ha diện tích đang canh tác một số loại cây trồng ngắn ngày nhằm cải tạo đất sau khi cam, quýt hết chu kỳ khai thác. Do đó UBND huyện Cao Phong đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát lại diện tích tái canh nhằm đảm bảo mục tiêu của đề án đã đề ra. Đồng thời, chỉ đạo phòng NN&PTNT phối hợp với Chi cục quản lý chất lượng có kế hoạch hỗ trợ các địa phương trong công tác chứng nhận an toàn thực phẩm/GAP, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho những diện tích cây có múi trong chu kỳ kinh doanh. Rà soát diện tích cam đang trong thời kỳ kiến thiết, thời kỳ kinh doanh, diện tích hết chu kỳ, diện tích bị sâu bệnh, diện tích dự kiến trồng tái canh để xây dựng kế hoạch tái canh hằng năm. Từ đó có kế hoạch chỉ đạo các địa phương tổ chức lại sản xuất đối với diện tích cam do già cỗi, hết chu kỳ khai thác bằng các giống cây trồng ngắn ngày như cây đậu đỗ, cây ngô sinh khối, cây chuối…Đến nay đã có khoảng 780ha cây có múi trồng luân canh canh cây trồng khác để cải tạo đất với thời gian luân canh từ 2-4 năm. Hầu hết diện tích trồng luân canh đều được hỗ trợ kết nối trong khâu tiêu thụ, không có tình trạng ứ đọng sản phẩm. Các dự án hạ tầng phát triển sản xuất vùng cam an toàn tập trung trên địa bàn huyện cơ bản đã hoàn thành trên 95%.
Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai thực hiện đề án tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện gặp khó khăn về nguồn lực tài chính; việc tạo quỹ đất phục vụ tái canh; tạo vùng trồng tập trung để thuận lợi cho công tác quản lý, chăm sóc, áp dụng các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất, cấp mã số vùng trồng…Vì vậy để thực hiện tốt tái canh cây ăn quả có múi, thời gian tới huyện Cao Phong cần tập trung làm tốt một số giải pháp như: tạo nguồn giống sạch bệnh đạt tiêu chuẩn Quốc gia phục vụ tái canh; cải tạo đất sạch nguồn sâu bệnh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ môi trường sinh thái; ban hành các quy trình kỹ thuật cho từng loại giống phù hợp để thực hiện đề án tái canh. Tổ chức lại sản xuất cây ăn quả có múi một cách bền vững, trong đó doanh nghiệp, HTX là nòng nốt, trong tâm liên kết với với người sản xuất, với hoạt động logicstic và tiêu thụ sản phẩm. Từng bước hình thành những vùng trồng lớn, đảm bảo nguồn cung đồng đều về chất lượng, mẫu mã sản phẩm; đủ khả năng cung cấp cho các kênh tiêu thụ tập trung và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Đảm bảo yêu cầu an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phảm với nguồn cung nguyên liệu của mọi công đoạn (sản phẩm quả tươi, sản phẩm sơ chế, sản phẩm chế biến) và củng cố, nâng cao chuỗi giá trị đối với sản phẩm quả có múi. Cải thiện, nâng cấp hạ tầng phục vụ vùng sản xuất tập trung như đường nội đồng, cung cấp điện, nguồn cung cấp nước…/.