Với cách làm đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Đảng bộ huyện Đà Bắc và các chi, đảng bộ trực thuộc đưa vào chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nghị quyết của cấp ủy và nội dung sinh hoạt định kỳ của từng chi bộ. Gắn thực hiện Chỉ thị số 05 với việc thực hiện Nghị quyết T.ư 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, cơ quan, đơn vị. Kết hợp chặt chẽ với các CVĐ, phong trào thi đua của các cấp, các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, Huyện uỷ đã chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ với phương châm "sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”.
Gắn việc học và làm theo Bác với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, thiết thực, tiêu biểu như: Mô hình "Tổ đổi công” ở xã Giáp Đắt với 5 tổ tại các xóm Bao, Bằng, Đắt I, Đắt V và Thàng Làng. Các thành viên giúp nhau đổi công trồng, thu hoạch hoa màu và các hoạt động khác thể hiện tình làng, nghĩa xóm trong lao động sản xuất của cộng đồng dân cư. Mô hình "Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật” tại hai xã Đồng Chum và Mường Chiềng đã có tác dụng thiết thực trong tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ, trừ sâu và phương pháp an toàn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình nuôi cá lồng phát triển kinh tế gia đình tại các xã vùng hồ sông Đà như Hiền Lương, Tiền Phong, Vầy Nưa đang ngày càng được nhân rộng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân...
Trong phát triển văn hóa, xã hội, tiêu biểu là các mô hình: "Làng không có con em bỏ học” tại xóm Bon, xã Tân Pheo; "Học chữ viết của người Tày” do ông Lường Đức Chôm tổ chức tại xã Trung Thành nay đã lan rộng ra nhiều xã trong huyện có đồng bào dân tộc Tày sinh sống; "Học tiếng đồng bào Dao” do ông Bàn Văn Chiêu, 86 tuổi ở xóm Dướng, xã Vầy Nưa tổ chức không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà còn có tác dụng nhân rộng phong trào "Dạy chữ, rèn người” để xây dựng cuộc sống mới trên địa bàn...
Học tập và làm theo tấm gương Bác, nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín đã phát huy vai trò nòng cốt trong phong trào Toàn dân BVAN Tổ quốc. Tiêu biểu là già làng Xa Văn Thế, 87 tuổi ở xã Đồng Chum đã đứng ra kêu gọi mọi người trong dòng họ cam kết không để xảy ra mâu thuẫn, mất đoàn kết, không để con cháu mắc tai - tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật, loại bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Ngoài ra ông cũng kêu gọi các thành viên trong dòng họ có trách nhiệm với thôn, bản, tích cực tham gia các tổ chức tự quản về ANTT để giải quyết các vụ việc ngay tại cơ sở. Từ đó, hiện 7 xã vùng cao trong huyện gồm: Tân Pheo, Giáp Đắt, Mường Chiềng, Đồng Chum, Mường Tuổng, Đồng Nghê, Suối Nánh đã có 226 tổ chức tự quản về ANTT, hoà giải, PCCC và hai dòng họ tự quản (họ Xa và họ Vì) hoạt động rộng khắp và phát huy hiệu quả ở 56 xóm.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng lan toả sâu rộng, có ý nghĩa quan trọng để huyện Đà Bắc hướng tới mục tiêu "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc; khai thác có hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh phát triển KT-XH nhanh, bền vững, sớm đưa Đà Bắc thoát khỏi huyện nghèo của tỉnh” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đà Bắc lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.