Huyện Lương Sơn nằm trong vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh, có vị trí thuận lợi để phát triển đô thị. Huyện đã và đang tranh thủ mọi nguồn lực ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm với mục tiêu phát triển hạ tầng đô thị như: Các trục giao thông hướng tâm từ QL6, các đường vành đai, tuyến tránh đô thị, kè hai bên bờ sông Bùi, các khu đô thị nghỉ dưỡng, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng điện, nước sạch. Huyện đang hoàn thành các bước chuẩn bị để đầu tư đường kết nối thị trấn Lương Sơn với thị trấn Xuân Mai và các tuyến nội thị khác. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện, đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, tạo sự kết nối.
Để khắc phục những hạn chế trên, ngày 31/12/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về việc tập trung huy động nguồn lực xây dựng huyện Lương Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV, phấn đấu đến năm 2025 đạt tiêu chí đơn vị hành chính cấp thị xã.
Quy hoạch đô thị Lương Sơn là đô thị công nghiệp, dịch vụ, có nền tảng hạ tầng để phát triển đô thị sinh thái thông minh, xanh, các dịch vụ nghỉ dưỡng dinh thái kết nối đồng bộ với đô thị vệ tinh của thành phố Hà Nội; tranh thủ mọi nguồn lực của Trung ương, tỉnh, huyện và các thành phần kinh tế để hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị văn minh, hiện đại. Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn tới, đó là nâng tỷ trong công nghiệp-xây dựng và thương mại- dịch vụ đạt trên 80%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt từ 55% trờ lên, khu vực nội thị đạt từ 70% trở lên; đến năm 2025, quy mô dân số đạt trên 125.000 người; hệ thống các công trình hạ tầng đô thị đạt tiêu chí đô thị loại IV.
Với 9 giải pháp thực hiện, bao gồm: Giải pháp về quy hoạch,; về huy động vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chính quyền đô thị; giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án; khai thác nguồn thu từ quỹ đất tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng; cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư; phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; giải pháp khắc phục tiêu chí chưa đạt; về quản lý đô thị, xây dựng văn hóa đô thị.
Nguồn lực huy động thực hiện sẽ lồng ghép chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh đã thông qua; vốn ngân sách của huyện; vốn các thành phần kinh tế trong và ngoài huyện. Tổng số vốn thực hiện Đề án khoảng 19.586 tỷ đồng./.