Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện có trên 1.000 nghề truyền thống, làng có nghề, với 3 nhóm nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, mây, tre đan và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Nhằm khuyến khích sự phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, vừa qua, tỉnh ta đã xây dựng Đề án khuyến khích phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020. Tuy nhiên, để Đề án đi vào cuộc sống
Khó khăn trong phát triển nghề và làng nghề truyền thống
Nghề may mặc khu vực nông thôn của tỉnh chủ yếu do các hộ gia đình thực hiện, sản phẩm thuộc loại bình dân, phục vụ cho nhu cầu tại chỗ. Toàn tỉnh có 208 cơ sở làm nghề dệt may, thêu ren với khoảng gần 1 nghìn lao động, doanh thu ước đạt gần 40 tỷ đồng (đạt bình quân 190 triệu đồng/cơ sở/năm). Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống, mang bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc tỉnh. Bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm không chỉ đem lại nguồn thu nhập cho các hộ gia đình mà còn góp phần lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống của người Mường, Thái, Tày, Dao, Mông…. Sản phẩm dệt thổ cẩm của các làng nghề luôn hấp dẫn khách du lịch trong, ngoài nước ưa thích mua làm đồ lưu niệm vì được làm từ sợi bông tự nhiên, nhuộm màu tự nhiên và dệt thủ công bằng khung dệt truyền thống. Năm 2013, tỉnh ta đã có quyết định công nhận 2 làng nghề truyền thống gồm: làng nghề dệt thổ cẩm và du lịch Bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) và làng nghề dệt thổ cẩm Làng Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn).
Những năm qua, nhiều huyện như Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn... đã được khôi phục và phát triển trở lại nghề dệt thổ cẩm. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Tân Lạc đã thành lập đực 2 HTX Vọng Ngàn và Suối Hai chuyên sản xuất hàng thổ cẩm truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là người dân vẫn chưa thực sự mặn mà với nghề này bởi sản phẩm thổ cẩm làm ra vẫn chưa trở thành hàng hóa, chủ yếu là sản xuất theo đơn đặt hàng nhưng cũng không thường xuyên, giá thấp, hoặc bán ở những phiên chợ cũng không được nhiều. Khó khăn lớn nhất đối với mặt hàng thổ cẩm của các làng nghề ở tỉnh là đầu ra và giá thành cho sản phẩm. Vì quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công nên một sản phẩm thổ cẩm thực chất của người Mường, Thái, Tày, Dao, Mông... làm ra có giá cao hơn rất nhiều so với các sản phẩm cùng mẫu mã sản xuất công nghiệp. Thực tế đã dẫn đến hiện tượng đa số các gian hàng tại các điểm du lịch trên địa bàn đều bày bán sản phẩm giả thổ cẩm để kinh doanh.
Theo Chi cục phát triển nông nghiệp thuộc Sở NN&PTNT, mặc dù đã có những bước phát triển mới, tuy nhiên, phát triển nghề, làng nghề truyền thống vẫn mang tính tự phát. Gần 80% các cơ sở không đủ vốn để đầu tư đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, thiếu nguyên liệu tại chỗ, vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nơi khác, chưa có chợ đầu mối cung cấp nguyên liệu, phụ liệu. Sự liên kết trong các lĩnh vực đào tạo nghề, cung cấp thông tin thị trường, tiêu thụ sản phẩm chưa được chặt chẽ. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, một mặt do các sản phẩm thủ công còn đơn điệu về mẫu mã, chất lượng chưa cao, hầu hết sản phẩm chưa có thương hiệu nhãn mác hàng hoá nên sức cạnh tranh kém và thị trường xuất khẩu đang bị thu hẹp, chưa khai thác được thế mạnh của thị trường trong nước, mặt khác do thiếu thông tin thị trường, thiếu các trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm. Trong khi đó, phần lớn sản phẩm của ngành nghề nông thôn kể cả nghề truyền thống của tỉnh chưa có nhãn hiệu - thương hiệu hàng hóa. Hiện mới có 2 loại sản phẩm của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp nhãn hiệu tập thể gồm rượu cần đặc sản (cấp tháng 11/2011) và thổ cẩm Mai Châu (cấp tháng 4/2013). Một trong những yếu tốt quyết định đến việc duy trì và phát triển nghề truyền thống, đó là trình độ công nghệ, kỹ thuật nhìn chung còn thấp, đổi mới công nghệ, mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm diễn ra chậm chưa theo kịp yêu cầu của thị trường.phần nhiều lao động chưa qua đào tạo. Một số chương trình đào tạo nghề còn chưa tiến hành theo chiều sâu, chưa quan tâm nhiều đến hiệu quả của công tác đào tạo. Người thợ thủ công chưa có chế độ bảo hiểm, chưa tạo sự hấp dẫn với lớp trẻ vào làm nghề.
Hướng mở trong phát triển nghề và làng nghề truyền thống của tỉnh
Với mục tiêu bảo tồn, xây dựng và phát triển được các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống có tiềm năng lợi thế, tạo thành các sản phẩm bản sắc, có giá trị văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc trong tỉnh, hiệu quả cao góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất; xây dựng đội ngũ nghệ nhân và thợ kỹ thuật hành nghề, ngày 23/6/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3024 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; ngày 13/6/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11 về phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020.
Theo đó, tỉnh ta tập trung phát triển các nhóm ngành: bảo quản và chế biến nông lâm thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng, mây tre đan, dệt may, cơ khí nhỏ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất thủ công mỹ nghệ; gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh... Phấn đấu đến năm 2015 có 5 làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, khoảng 4.000 lao động được đào tạo nghề mỗi năm; giai đoạn 2016 – 2020 công nhận 10 làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, khoảng 5.000 lao động được đào tạo nghề mỗi năm. Đến năm 2020, giải quyết được khoảng 85,3 ngàn lao động làm việc tại các cơ sở ngành nghề nông thôn.
Để hoàn thành các mục tiêu, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành, địa phương xây dựng chính sách khuyến khích, phát triển các cơ sở nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tham gia sản phẩm đáp ứng về chất lượng, phong phú về mẫu mã như các mặt hàng: dệt thổ cẩm, mây tre đan, đá cảnh, gốm sứ... Khai thác lợi thế sẵn có, phát triển theo quy hoạch gắn với vùng nguyên liệu. Giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường... Đáng quan tâm là tỉnh có chủ trương hỗ trợ bằng tiền 1 lần 50 triệu đồng, sau khi các cơ sở nghề truyền thồng, làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận; hỗ trợ các cơ sở tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ; chuyển giao công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất, xử lý môi trường, hỗ trợ 300 triệu đồng/cơ sởtương đương 30% tổng mức đầu tư; hỗ trợ cho lao đông của các cơ sở tham gia các chương trình đào tạo nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Miễn thuế thuê đất 3-5 năm đầu cho các cơ sở mới thành lập nằm ngoài điều kiện hưởng các ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất và sử dụng đất áp dụng trong Luật Đầu tư. Hỗ trợ giải phóng mặt bằng, nhất là cho các dự án có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống .