DetailController

Thời sự trong ngày

Hướng đi hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

29/12/2021 00:00
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thời gian qua, Hòa Bình đã tích cực chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng giá trị cao. Qua đó, tạo động lực cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh khai thác tiềm năng, lợi thế đồng đất, tăng thu nhập cho nông dân.
Nông dân xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao

Thời gian qua, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, đặc biệt chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả, thiếu nước sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, phù hợp đã được quan tâm. Các quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa quy định tại Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2025 của Chính phủ; Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ; Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ đã được phổ biến, quán triệt đến các cơ quan quản lý, chính quyền các cấp, từ đó phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện đúng theo quy định chuyển đổi. Quá trình theo dõi, kiểm tra giám sát việc chuyển đổi, tổng hợp kết quả chuyển đổi tại các địa phương được thực hiện theo hàng vụ, hàng năm đảm bảo đúng yêu cầu, các báo cáo đảm bảo chất lượng về thời gian, số liệu, nội dung báo cáo.  Các địa phương nắm chắc tình hình chuyển đổi trên địa bàn, chủ động được tổng hợp số liệu chuyển đổi từ các thôn, xóm và các tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi trên địa bàn xã. Tuy nhiên, việc đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là thủ tục hành chính do cấp xã trực tiếp thực hiện. Diện tích đất trồng lúa trước khi chuyển đổi phải được phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của địa phương và được sự đồng ý của Uỷ ban nhân dân cấp xã.

          Năm 2021, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa toàn tỉnh đạt 2.160 ha cụ thể: Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang cây hàng năm đạt 1.919  ha, trong đó chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa 783,61 ha; đất 1 vụ lúa 1.135 ha. Loại cây trồng được chuyển đổi chính gồm: Ngô, ngô sinh khối, rau đậu các loại (bí xanh, dưa chuột...), mía, cây dược liệu, cỏ chăn nuôi... Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang cây lâu năm đạt 118,1 ha, trong đó chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa 61,92 ha; đất 1 vụ lúa 56,18 ha. Loại cây được chuyển đổi chính gồm: Nhãn, ổi, táo, cây có múi... Ngoài ra, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản đạt 4,78 ha, trong đó chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa 2,86 ha; đất 1 vụ lúa 1,92 ha. Các địa phương có diện tích chuyển đổi lớn gồm: Huyện Cao Phong (400,62 ha), huyện Kim Bôi (130,50 ha), huyện Tân Lạc (193,19 ha), huyện Lạc Sơn (1.141,64 ha). Một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngày càng phát huy hiệu quả như: Chuyển đổi trồng các loại rau họ bầu bí (bí xanh, dưa chuột, rau lấy quả khác) tại huyện Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn cho thu nhập trung bình 120 – 150 triệu đồng/ha/năm. Mô hình chuyển đổi trồng ngô sinh khối tại Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn, Kim Bôi cho thu nhập 80 – 100 triệu đồng/ha/năm.

Năm 2022, theo Kế hoạch tổng diện tích đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là 1.937,88 ha cụ thể: Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang cây hàng năm là 1.591,2ha trong đó chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa 608,6 ha; đất 1 vụ lúa 982,6 ha. Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang cây lâu năm là 166,3 ha trong đó chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa 25,8 ha; đất 1 vụ lúa 140,5 ha. Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 14,08 ha trong đó chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa 2,55 ha; đất 1 vụ lúa 11,53 ha. Các địa phương đăng ký diện tích chuyển đổi lớn gồm: huyện Cao Phong (313,0 ha), huyện Kim Bôi (261,0 ha), huyện Tân Lạc (185,03 ha), huyện Lạc Sơn (881,0 ha)./.