DetailController

Thời sự trong ngày

Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục dân tộc năm học 2021 - 2022

06/10/2021 00:00
Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố hướng dẫn các trường triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 đối với công tác Giáo dục dân tộc một cách cụ thể, phù hợp.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh khen thưởng cho cán bộ, giáo viên và học sinh có thành tích xuất sắc trong giảng dạy, học tập, rèn luyện

Năm học 2021 - 2022, thực hiện nhiệm vụ Giáo dục dân tộc, ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương chính sách về phát triển Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị và của toàn xã hội đối với giáo dục. Tuyên truyền, vận động, huy động học sinh ra lớp; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho học sinh; đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không còn được hưởng chế độ chính sách do xã, thôn đã ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Tuyên truyền về những mô hình, điển hình, cách làm hay (sáng tạo) trong việc thực hiện các nhiệm vụ đối với công tác giáo dục dân tộc.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục dân tộc bằng nhiều hình thức phù hợp; tổ chức quán triệt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới giáo dục, phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Phối hợp cung cấp thông tin với cơ quan báo chí địa phương, bản tin Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình, Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình về các nội dung mang tính thời sự, đột xuất nhằm định hướng tốt dư luận. Khuyến khích các đơn vị, trường học đăng tin, bài phản ánh và tuyên truyền hoạt động của đơn vị, các mô hình trường học tiêu biểu.

Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động giáo dục đặc thù nhằm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh dân tộc thiểu số; xây dựng các mô hình trường học thân thiện, an toàn, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với trường, người dạy, người học vùng dân tộc thiêu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú. Rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, duy trì số lượng và nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số ở các cấp học. Tiếp tục sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học để đáp ứng, đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học. Tiếp tục tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh trong việc việc duy trì số lượng học sinh dân tộc thiểu số trong độ tuổi đi học; bảo đảm tỷ lệ học sinh chuyên cần, giảm tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số bỏ học, nghỉ học vào dịp lễ tết, mùa vụ,... nhằm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai thực hiện đầu tư cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú  theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù gắn với yêu cầu giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kĩ năng sống cho học sinh dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số  giai đoạn 2018 - 2025” đảm bảo mục tiêu 100% các trường, lớp bán trú và dân tộc nội trú được tuyên truyền kỹ năng sống, về giới và bình đẳng giới với nội dung và thời lượng phù hợp với lứa tuổi. Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, chú trọng giáo dục học sinh tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập và sinh hoạt; chú trọng giáo dục học sinh ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường, tham gia tuyên truyền trong gia đình, cộng đồng về xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Khuyến khích triển khai mô hình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn của địa phương như: Trường học gắn với sinh thái, trường học đa văn hóa, trường học nông trại, trường học du lịch... Tùy theo đặc thù của từng địa phương, các đơn vị, trường học xây dựng mô hình phù hợp.

Tăng cường dạy tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 98/KH-UBND ngày 10/7/2018 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025” trên địa bàn tỉnh. Xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số; chú trọng xây dựng môi trường giao tiếp, giao lưu tiếng Việt cho trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số thông qua hoạt động dạy học của các môn học và các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, hoạt động trải nghiệm; tổ chức các hoạt động thư viện giúp học sinh dân tộc thiểu số tăng cường năng lực sử dụng tiếng Việt./.