Sau 10 tháng triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06/CP tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hòa Bình đã tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.375/1.878 dịch vụ, đạt 73,21%. Trong đó đã thực hiện 14/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân, tiếp nhận 51.816 hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công; đã giải quyết 42.882 hồ sơ đảm bảo theo quy định. 11/25 TTHC của lực lượng Công an xếp thứ 5/63 tỉnh trên toàn quốc. 231/231 cơ sở khám chữa bệnh BHYT có bệnh nhân đến khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD; 236.433 thông tin người xác thực tham gia trong Cơ sở dữ liệu bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Toàn tỉnh có 125.041 tài khoản giao dịch điện tử cá nhân - ứng dụng VssID – BHXH số và Cổng dich vụ công BHXH Việt Nam. Trong tháng 10/2022, đã tích hợp giải quyết hơn 2.453 hồ sơ thủ tục hành chính lĩnh vực hộ tịch giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp. Đã thu nhận 649.693 hồ sơ cấp CCCD, trả 637.656 CCCD đến tay người dân. 100% các xã , phường, thị trấn thực hiện liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi…
Công tác thông tin, tuyên truyền Đề án 06/CP đến cán bộ, Nhân dân được thực hiện với hình thức đa dạng, nội dung phù hợp với đặc điểm từng đối tượng, địa bàn tuyên truyền, góp phần quan trọng trong công tác chuyển đổi số của tỉnh. Một số sở, ngành thường xuyên phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo Đề án 06/CP.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế và dự báo nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Đề án 06/CP và chuyển đổi số của tỉnh. Theo đó, việc triển khai hạ tầng, thiết bị đảm bảo điều kiện phục vụ kết nối với dữ liệu dân cư còn chậm dẫn đến nguy cơ không thể chia sẻ được dữ liệu dân cư với các dữ liệu chuyên ngành để phục vụ các giao dịch trên môi trường điện tử; nhân lực, thiết bị phục vụ chuyển đổi số còn khó khăn; hệ thống đường truyền, mạng internet còn tắc nghẽn dẫn đến không thực hiện được; tiến độ kết nối, tích hợp một số dịch vụ công thiết yếu theo Đề án còn chậm…Đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh thực hiện Đề án trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án đề nghị Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06/CP của tỉnh tiếp tục bổ sung thành viên, kiện toàn tổ chức để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai các nhiệm vụ thời gian tới. Đặc biệt, đồng chí Chủ tịch UBND nhấn mạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị là hết sức quan trọng để đảm bảo điều kiện kết nối giữa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh nghiên cứu phương án đầu tư hạ tầng đảm bảo điều kiện kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu; tổ chức đào tạo, tập huấn, bố trí nhân lực có điều kiện công nghệ thông tin đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường kết nối với các Bộ, ngành trung ương trong chia sẻ dữ liệu. Tuyên truyền cán bộ, Nhân dân về Đề án 06/CP để người dân biết và tự giác thực hiện, hướng dẫn Nhân dân thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử./.