DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Hôn nhân cận huyết thống – Vấn đề cần quan tâm giải quyết

03/01/2013 00:00
Có một căn bệnh nguy hiểm xuất hiện ở huyện Kim Bôi từ nhiều năm nay. Bà con thường gọi là bệnh báng - bụng cứ to mọng lên như cây báng ở trên rừng.

Bệnh này y học hiện đại đã phát hiện ra đây là bệnh thiếu máu huyết tán bẩm sinh. Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh này là hôn nhân cận huyết thống hay nói cách khác là hôn nhân giữa những người có cùng  dòng máu trực hệ.

Hòa Bình là tỉnh miền núi có số người mắc bệnh thiếu máu huyết tán bẩm sinh cao. Trước thực trạng đó, Bệnh viện Nhi Trung ương lấy mẫu máu xét nghiệm tại các xã Vĩnh Đồng, Đú Sáng, Nam Thượng thì có tới 23% nam nữ vị thành niên, thanh niên người Mường ở huyện Kim Bôi mang gene Thalassemia bệnh tan máu bẩm sinh.

Tuy nhiên, đa phần trong số họ không biết mình mang gene lặn cho tới khi được làm xét nghiệm. Có tới 25% con cái của họ đã mắc bệnh nặng khi cả bố và mẹ cùng mang gene lặn lấy nhau. Những đứa trẻ bệnh nặng thiếu máu vàng da, lách to, biến dạng xương mặt, chậm phát triển thể chất.

Trước thực trạng đó, năm 2009-2010, Tổng cục DS-KHHGĐ đã triển khai thí điểm mô hình can thiệp, giảm thiểu mắc bệnh Thalassemia tại tỉnh Hòa Bình, do BV Nhi Trung Ương thực hiện tại 3 xã Vĩnh Đồng, Nam Thượng, Đú Sáng huyện Kim Bôi. Từ khi triển khai mô hình đến nay thì nhiều người dân ở các xã trên đã hiểu biết và ý thức được căn bệnh Thalassemia. Đặc biệt tại xã Vĩnh Đồng một trong những xã có tới 27% số người mắc bệnh tan máu bẩm sinh này đã thành lập 6 câu lạc bộ phòng chống bệnh Thalassemia. Thông qua những câu chuyện cụ thể, những minh chứng khoa học hầu hết các chị em nắm bắt được tác hại của căn bệnh tan máu huyết tán.

Để chất lượng giống nòi không bị suy giảm cần phải tuyên truyền giáo dục cho người dân có những hiểu biết cần thiết về hôn nhân cận huyết thống. Đặc biệt cần cả hệ thống chính trị Hòa Bình sẽ cùng vào cuộc để đẩy lùi không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống ra khỏi cộng đồng.