Trong quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa, nhu cầu du lịch về những vùng quê nông thôn bình dị, không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của khách du lịch là xu thế tất yếu, nhất là khách du lịch sinh sống ở các vùng đô thị. Tại Hội thảo toàn quốc “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”, Phó Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, việc phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp và mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch nông thôn nói chung khá đa dạng, tuy nhiên các loại hình du lịch nông thôn chủ đạo là du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái.
Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững du lịch. Phát triển du lịch nông thôn góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân nông thôn, đưa xây dựng nông thôn mới vào chiều sâu và chất lượng; tạo ra việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản – OCOP, nâng cao năng lực, trình độ và ý thức của người dân nông thôn; bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan; bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc…
Theo thống kê sơ bộ từ báo cáo của 37 tỉnh, thành phố, có 73 tuyến du lịch có dẫn khách đến các điểm du lịch nông thôn, 365 điểm du lịch nông thôn. Số lượng lao động tham gia vào lĩnh vực du lịch nông thôn chưa nhiều, ước tính mỗi tỉnh có khoảng 500-1.000 lao động. Du lịch nông hôn chủ yếu quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp; mang tính chất tự phát…Hiện nay chưa có chính sách tổng thể cho phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia. Các chính sách phát triển chủ yếu lồng ghép vào các chương trình phát triển và các chính sách đặc thù của từng địa phương.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thảo luận đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch nông thôn; đồng thời định hướng các giải pháp phát triển du lịch nông thôn, đảm bảo nguyên tắc tôn trọng văn hóa địa phương, chia sẻ lợi ích, phát triển bền vững và có trách nhiệm. Trong đó, tập trung vào xây dựng các chính sách phát triển du lịch nông thôn; tổ chức không gian du lịch; làm tốt công tác quản lý du lịch nông thôn; huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả nguồn lực; phát triển sản phẩm du lịch đảm bảo 03 yếu tố: đa dạng, đặc sắc và gia tăng giá trị; phát triển thị trường khách du lịch và nhân lực du lịch nông thôn…Các ý kiến đưa ra là cơ sở để xây dựng Đề án về du lịch nông thôn sâu rộng, sát với thực tiễn và phát huy hiệu quả tối cao.
Tham gia ý kiến tại hội thảo, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bày tỏ sự thống nhất cao đối với các nội dung của Hội thảo. Tại tỉnh Hòa Bình, các loại hình du lịch truyền thống, du lịch nông nghiệp nông thôn đang phát triển nhanh tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc truyền thống, đặc biệt chú trọng phát triển du lịch theo hướng xanh, sạch và an toàn. Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh để thực hiện các khâu: quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ chuẩn hóa các sản phẩm OCOP du lịch nông thôn, nhất là các sản phẩm có tiềm năng đạt 4-5 sao; đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ tỉnh Hòa Bình về công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch…
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và chuyên gia để tổng hợp báo cáo, đề nghị Chính phủ xây dựng Đề án về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới để triển khai trên cả nước. Trong đó, Đề án phải làm rõ được các nội dung: phạm vi đề án, các chuỗi giá trị, đánh giá hiệu quả từ đề án mang lại cho phát triển đời sống dân cư nông thôn…/.