Hiện nay, tỷ lệ người dân trong cộng đồng mắc các bệnh không lây nhiễm ở nước ta khá cao. Theo ước tính hiện nay dân số tỉnh Hòa Bình có khoảng 860 nghìn người trong đó trung bình 110 nghìn người mắc tăng huyết áp, 26 nghìn người mắc đái tháo đường. Ngoài ra còn số lượng lớn người mắc hen phế quản, COPD, tâm thần…trong cộng đồng gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, tuổi thọ và gánh nặng bệnh tật, kinh tế đối với người dân và sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tính đến tháng 9/2020 mới phát hiện 30,5 nghìn người (đạt 27%) và quản lý được 26 nghìn người mắc tăng huyết áp; phát hiện 6,6 nghìn người (đạt 25%) và quản lý 5,5 nghìn người mắc đái tháo đường. Thực tế cho thấy rằng tỷ lệ người dân trong cộng đồng được theo dõi, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm nói chung và bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường nói riêng cần được quan tâm và cải thiện hơn.
Trong những năm qua, ngành Y tế tỉnh Hòa Bình nói riêng và trên cả nước nói chung đã nỗ lực triển khai các hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm, tuy nhiên kết quả đạt được còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là do hệ thống y tế chưa đáp ứng kịp với sự thay đổi mô hình bệnh tật; kinh phí thực hiện cần nhiều; cơ chế, chính sách còn vướng mắc (nhất là cơ chế khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế); trình độ nhận thức của cán bộ và người dân về quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm còn có hạn chế
Tại hội thảo các đại biểu được cung cấp thông tin về bệnh không lây nhiễm và chăm sóc bệnh không lây nhiễm trong dịch Covid-19; chế độ ăn giảm muối trong phòng tăng huyết áp và đột quỵ não và hướng dẫn hoạt động truyền thông về các nội dung liên quan.
Thời gian tới, ngành Y tế tỉnh xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành; tăng cường chỉ đạo sát sao đối với các cơ quan đơn vị trực thuộc thực hiện tốt việc quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm cho người dân./.